Cafeforexvn – Đầu tiên là các công ty ô tô. Sau đó là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Và giờ đây, đến phiên Apple và Amazon.com phải hứng chịu hệ quả của những rắc rối dường như đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và nếu các ông lớn công nghệ không miễn dịch thì tình trạng thiếu hụt có thể là nguy cơ ngày càng nghiêm trọng đối với mọi doanh nghiệp trong mùa báo cáo thu nhập này.
Apple và Amazon chịu thiệt
Ít ai kỳ vọng thấy điều tồi tệ này từ hai ông lớn công nghệ. CEO Apple Tim Cook cho biết các vấn đề trên chuỗi cung ứng đã khiến công ty mất 6 tỷ USD doanh thu trong Q3/2021 khi ông giải thích lý do tại sao công ty không đạt ước tính doanh thu. Trong khi đó, Amazon lại không đạt ước tính thu nhập và CFO Brian Olsavsky cho biết tăng trưởng tiền lương và lạm phát đã cộng thêm 2 tỷ USD chi phí vào kết quả của công ty trong quý vừa rồi.
Cổ phiếu Apple (NASDAQ:AAPL) và Amazon (NASDAQ:AMZN) đã giảm lần lượt 3,7% và 4,2% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm thứ năm.
Lạm phát, tình trạng chậm trễ trên chuỗi cung ứng và mất doanh thu nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng các vấn đề này không có gì bất ngờ đối với những ai đang theo dõi báo cáo thu nhập của lĩnh vực ô tô và sản xuất công nghiệp.
Các công ty ô tô đã mất hàng triệu đơn vị sản xuất vào năm 2021 vì thiếu chất bán dẫn. Số lượng giao hàng của General Motors (NYSE:GM) đã giảm 33% trong Q3. Các công ty sản xuất công nghiệp đang phải nỗ lực để bù đắp lạm phát, và các công ty như General Electric (NYSE:GE), Honeywell International (NYSE:HON) và Caterpillar (NYSE:CAT) đã phải tăng giá cao hơn để bù đắp chi phí trong Q3.
Nhà đầu tư đã phản ứng với những vấn đề đó. Bốn cổ phiếu trên đều giảm giá trong ba tháng qua, giảm trung bình 3% trong khi S&P 500 tăng 4%. Các ông lớn công nghệ đã được cho là sẽ miễn nhiễm với những vấn đề này. Những công ty này được cho là có mọi thứ tốt trong tay khi Nasdaq Composite tăng 5%, phần nào nhờ mức tăng 6% và 16% của cổ phiếu Amazon và Apple. Tuy nhiên, báo cáo thu nhập Q3/2021 của hai công ty cho thấy không phải như vậy.
Tham khảo thêm:
- 3 Cổ Phiếu Có Thể Đáng Giá Hơn Apple Vào Năm 2035
- Amazon: Liệu CEO mới Andy Jassy có thể theo bước Jeff Bezos như thế nào?
Vậy ai là người tiếp theo? Các nhà bán lẻ là đối tượng hiển nhiên. Các công ty này thường báo cáo vào cuối mùa thu nhập và họ hoạt động và cạnh tranh trong cùng một ngành với Amazon. Nếu Amazon không thể giải quyết vấn đề thì các nhà bán lẻ khác có lẽ cũng không thể.
Hơn nữa, nhà đầu tư dường như vẫn không biết gì về những rủi ro này. Các nhà bán lẻ chuyên dụng thuộc S&P 500 — bao gồm Home Depot (NYSE:HD), Best Buy (NYSE:BBY) và Ulta Beauty (NYSE:ULTA) — đã tăng 11% trong ba tháng qua. Phân ngành bán lẻ chuyên dụng đã đạt mức cao nhất trong 52 tuần vào ngày 26 tháng 10. Các nhà đầu tư bán lẻ nên sẵn sàng cho các nhận xét về lạm phát hàng hóa và vận chuyển khó khăn trong dịp lễ.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một tia hy vọng: Nền kinh tế có vấn đề về cung chứ không phải là vấn đề về cầu. Mọi người vẫn muốn có những chiếc ô tô mới, ngay cả khi các công ty ô tô đang gặp khó khăn trong việc sản xuất chúng. Số lượng đơn đặt hàng cho hàng hóa sản xuất vẫn rất vững chắc và đã tăng trong hầu hết thời gian của năm 2021. Người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng đang ở trong tình trạng tốt, với khoản tiết kiệm gần 1,6 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 1,2 nghìn tỷ USD được báo cáo trong Q3/2019 trước Covid. Con số đó không bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng trên thị trường chứng khoán hoặc tăng giá nhà đất.
Vấn đề về nguồn cung tốt hơn nhiều so với vấn đề về nhu cầu. Cái trước gây khó chịu, nhưng cái sau gây ra suy thoái.
Vì lẽ đó, hiện tại, chúng ta nên xem đây là một vấn đề trong ngắn hạn.
Huân Hà-Theo Barrons