Thứ Năm, Tháng Sáu 8, 2023
Trang chủBài cần sửa SEOChuyển động kinh tế toàn cầu 25/03/2022

Chuyển động kinh tế toàn cầu 25/03/2022

Chuyển động kinh tế toàn cầu 25/03/2022
Chuyển động kinh tế toàn cầu 25/03/2022

Các công ty dịch vụ tiện ích công cộng của Đức hôm 24/3 kêu gọi chính phủ xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt, sau khi Chính phủ Nga yêu cầu chuyển các khoản thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble.

Chuyển động kinh tế toàn cầu 25/03/2022

Châu Âu vật lộn với đồng ruble

Ngày 23/3, tổng thống Vladimir Putin đã công bố yêu cầu một số quốc gia không thiện chí thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu hợp tác đưa ra một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nước này liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử: từ chối thanh toán bằng đồng ruble và đối mặt nguy cơ không nhận được khí đốt, hoặc tuân thủ và chịu rủi ro giá cao hơn khi các hợp đồng được đàm phán lại và các giao dịch dài hạn có lợi hơn bị loại bỏ.

Giới quan sát cho rằng các khoản thanh toán bằng đồng ruble sẽ nâng đỡ đồng nội tệ của Nga, vốn đã giảm mạnh kể từ khi căng thẳng với Ukraine trở thành xung đột quân sự vào ngày 24/2. Chỉ riêng trong ngày 23/3, bài phát biểu của ông Putin đã giúp đồng ruble tăng tới 9% so với đồng USD.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết các nước vẫn có thể thanh toán bằng đồng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Vì các lệnh này vốn không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung dầu và khí đốt mà nhắm vào các ngân hàng có thể tham gia vào các giao dịch bằng đồng ruble.

Giữa bối cảnh như vậy, Hiệp hội tiện ích công của Đức BDEW, bao gồm cả những khách hàng của Gazprom, đã thúc giục chính phủ thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt.

ECB mua thêm trái phiếu vì tác động từ tình hình Ukraine  

Thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Isabel Schnabel, ngày 24/3 cho hay các quan chức sẽ xem xét mở rộng chương trình in tiền tới sau mùa Hè này, nếu nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào “suy thoái sâu” vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà Schnabel, người có quan điểm “diều hâu” nhất trong số sáu thành viên hội đồng điều hành ECB, cho biết ngân hàng trung ương này đã “bỏ ngỏ” khả năng trên để đề phòng cho trường hợp các sự kiện diễn ra theo chiều hướng xấu hơn đối với khu Eurozone, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt và các nguồn nguyên liệu khác của Nga.

Còn nếu tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, ECB sẽ giữ vững quyết định trước đó. Vào đầu tháng 3/2022, ECB cho biết họ sẽ kết thúc kế hoạch kích thích mua trái phiếu vào quý III năm nay, rồi tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ sau đó. Đông thái trên được đưa ra khi khu vực châu Âu phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng đột ngột.

Chia sẻ quan điểm trên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Estonia, ông Madis Mueller cũng cho biết ECB sẽ chỉ mở rộng Chương trình Mua tài sản nếu có “sự thay đổi đáng kể” trong triển vọng lạm phát.

Trong khi đó, ông Mario Centeno, Thống đốc Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha lại cảnh báo rằng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của ECB cần được thực hiện từng bước và phù hợp vào cuối năm nay.

BoE kêu gọi tăng cường giám sát tiền điện tử

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 24/3 đã kêu gọi các nhà chức trách trên thế giới tăng cường giám sát tiền điện tử để ngăn chặn lĩnh vực này trở thành một rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) cho biết cơ quan này sẽ tìm cách đảm bảo giảm thiểu những rủi ro đến từ các thị trường tiền điện tử bằng cách khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý trong nước và quốc tế.

FPC nói thêm rằng rủi ro đối với sự ổn định tài chính sẽ tăng lên khi các loại tiền điện tử được kết nối nhiều hơn với các tổ chức tài chính và thị trường có hệ thống.

Giá trị của tiền điện tử đã tăng gấp 10 lần từ đầu năm 2020 đến tháng 11/2021 và chiếm 0,4% tài sản tài chính toàn cầu. Lĩnh vực tiền điện tử hiện có quy mô thị trường vào khoảng 1.700 tỷ USD.

Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực tiền điện tử, FPC tin rằng những rủi ro trực tiếp từ các tài sản tiền điện tử và DeFi (tài chính phi tập trung) đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Vương quốc Anh hiện đang bị hạn chế.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 22/3 đã bày tỏ lo ngại rằng tiền điện tử có thể được sử dụng để ‘né”các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Bà cho biết lượng đồng ruble được chuyển đổi thành tài sản tiền điện tử ngày càng tăng khi các lệnh trừng phạt đối với Nga được thắt chặt.

Mexico tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp

Ngân hàng trung ương Mexico ngày 24/3 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm lên 6,5%, trước sức ép lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao.

Cơ quan này cho biết lập trường chính sách tiền tệ được điều chỉnh theo lộ trình cần thiết để chỉ số lạm phát trở về mục tiêu 3% do Ngân hàng trung ương (Banxico) đặt ra. Như vậy, Banxico đã tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, trong đó lần điều chỉnh thứ 6 diễn ra vào tháng Hai vừa qua.

Quyết định của Banxico được đưa ra sau khi Viện Địa lý và Thống kê Quốc gia (Inegi) thông báo lạm phát của Mexico đã lên đến 7,29% trong nửa đầu tháng 3/2022, do giá năng lượng và lương thực leo thang. Lạm phát trong nửa đầu tháng Ba cũng tăng nhẹ so với mức 7,28% ghi nhận vào tháng 2/2022.

Banxico dự báo phải đến quý I/2024 mới có thể hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3%.

Tăng trưởng của Eurozone chậm lại khi khủng hoảng Ukraine đe dọa đà phục hồi

Báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ tài chính S&P Global cho hay hoạt động kinh doanh ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chậm lại trong tháng 3/2022, do giá cao và triển vọng ảm đạm làm dấy lên lo ngại tình hình xung đột Ukraine có thể cản bước phục hồi kinh tế của khu vực này

Theo đó, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone do S&P Global tổng hợp đã giảm 1,0 điểm xuống 54,5 trong tháng Ba. Con số trên ngưỡng 50 cho thấy vẫn có sự tăng trưởng tại khu vực này.

Trong số các nước thành viên Eurozone, Pháp có sức chống chịu tốt nhất trước những tác động tiêu cực của xung đột Nga – Ukraine, khi ngành dịch vụ của nước này “bùng nổ” và nhu cầu tiêu dùng bù đắp cho xuất khẩu sụt giảm.

Nền kinh tế châu Âu là Đức lại ghi nhận tăng trưởng đi xuống, nhưng sản xuất vẫn cao hơn mức ghi nhận hồi cuối năm ngoái khi lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của nước này bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích và quan chức cảnh báo rằng những tác động của xung đột Nga – Ukraine đã khiến các dự báo kinh tế trở nên không chắc chắn. Song hầu hết đều đồng ý rằng những ước tính về tăng trưởng đều sẽ bị hạ xuống đáng kể.

Chuyên gia Williamson cảnh báo với tình hình căng thẳng Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, các doanh nghiệp đang sống trong nỗi lo sợ rằng đà tăng trưởng kinh tế của Eurozone có thể sụp đổ trong những tháng tới.

Vương Linh

Xem thêm: Tìm hiểu mối tương quan giữa Metaverse và tiền điện tử

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI