Tiêu điểm kinh tế toàn cầu ngày 28/3/2022
Tesla tạm ngừng sản xuất tại Thượng Hải trong vài ngày
Theo các nguồn tin thân cận, hãng sản xuất xe điện Tesla của Mỹ đang tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải trong bốn ngày sau khi chính quyền thành phố thông báo sẽ đóng cửa trong hai giai đoạn để tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng.
Chính quyền thành phố Thượng Hải đã thông báo phong tỏa từng phần từ ngày 28/3 để phục vụ việc triển khai xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. Theo hãng tin Tân Hoa xã, từ 5h sáng 28/3 đến 5h sáng 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Sau đó, từ 3h sáng 1/4 đến 3h sáng 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía Tây sông Hoàng Phố.
Tesla bắt đầu giao xe từ nhà máy Thượng Hải vào cuối năm 2019 và đang tăng cường sản xuất trong bối cảnh doanh số kinh tế bán hàng tăng vọt. Trung Quốc cũng đã trở thành một trung tâm xuất khẩu cho Tesla hướng đến châu Âu và các thị trường khác.

Xem thêm: Tầm quan trọng của thanh khoản trong giao dịch Forex
Các công ty năng lượng Nhật Bản chuẩn bị cho tình huống có thể bị cắt giảm nguồn cung từ Nga
Các công ty năng lượng và khí đốt của Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine, và có thể hợp tác với một số quốc gia để làm nhà cung cấp thay thế Nga do lo ngại Nga có thể giảm hoặc tạm ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với nước này.
Để chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra từ Nga và các trường hợp khẩn cấp khác, công ty Hiroshima Gas Co. đang xem xét mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Malaysia và các nhà sản xuất khác, trong khi công ty Osaka Gas Co. cũng có kế hoạch mua khí đốt từ Mỹ hoặc Australia.
Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, nhập khẩu dầu thô của Nga chiếm 3,6% và nhập khẩu LNG chiếm 8,8% tổng lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2021.
Các tỷ phú Nga có thể tiếp tục kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các tỷ phú Nga có thể tiếp tục kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ miễn là họ tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế.
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thực hiện các lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc (LHQ) phê chuẩn, nhưng các biện pháp nhắm vào tài sản của các tỷ phú người Nga không được LHQ thông qua mà do các nước phương Tây bao gồm Mỹ và các nước thành viên EU đặt ra. Họ đã áp đặt các biện pháp chưa từng có đối với Nga, trong đó có việc đưa các tỷ phú người Nga và những cá nhân thân cận với Tổng thống Putin vào danh sách trừng phạt.
Nhà Trắng đề xuất mức thuế tối thiểu mới đối với tỷ phú Mỹ
Tờ Washington Post trích dẫn một tài liệu của Nhà Trắng về đề xuất “thuế thu nhập tối thiểu của tỷ phú” trong dự luật ngân sách 2023, dự kiến công bố ngày 28/3 (giờ địa phương). Theo đó, khoảng 700 tỷ phú Mỹ có giá trị tài sản hơn 100 triệu USD sẽ phải trả mức thuế tối thiểu là 20% toàn bộ thu nhập của họ. Thuế suất tối thiểu này sẽ đảm bảo rằng những người Mỹ giàu có nhất không trả mức thuế thấp hơn các giáo viên và lính cứu hỏa.
Đề xuất thuế mới này cũng nhắm vào các khoản lãi chưa hiện thực hóa của các tài sản có tính thanh khoản, chẳng hạn như cổ phiếu, vốn không bị đánh thuế cho đến khi chúng được bán ra. Tài liệu mà Washington Post trích dẫn cho biết, biểu thuế mới này có thể giúp tăng nguồn thu thuế thêm 360 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Theo tính toán của nhà kinh tế Gabriel Zucman của Đại học California Berkeley, nếu biểu thuế mới được Quốc hội thông qua, tỷ phú công nghệ Elon Musk có thể sẽ phải trả thêm 50 tỷ USD tiền thuế, và nhà sáng lập “đế chế” thương mại điện tử Amazon Jeff Bezos sẽ phải trả thêm 35 tỷ USD./.
Ngân hàng trung ương Canada sẵn sàng mạnh tay hành động để kiểm soát lạm phát
Trong một phát biểu mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada (BoC) Sharon Kozicki cho biết BoC “sẵn sàng hành động mạnh mẽ” để đưa tình trạng lạm phát cao vào tầm kiểm soát. Bà cũng cho rằng so với chu kỳ tăng lãi suất lần trước vào năm 2017 và 2018, các hộ gia đình Canada hiện đã chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với lãi suất tăng cao hơn. Bà Kozicki đánh giá lạm phát ở Canada quá cao, thị trường lao động bị thắt chặt và nhu cầu có xu hướng tăng đáng kể.
Sau khi giữ lãi suất gần bằng 0 trong hai năm, BoC bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào đầu tháng Ba. BoC đã tăng lãi suất chính sách kinh tế lên 0,5% từ 0,25% và báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất sắp xảy ra.
BoC đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát kinh tế vọt lên 5,7% vào tháng 2/2022, cao hơn gần ba lần so với mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng này. Giá dầu và nông sản tăng cao trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đang gây thêm áp lực lên lạm phát.
Ba ngân hàng hàng đầu Nhật Bản sẽ dừng giao dịch bằng đồng USD với ngân hàng lớn nhất của Nga
Theo các nguồn tin, ba ngân hàng lớn của Nhật Bản sẽ dừng các giao dịch bằng đồng USD và các giao dịch tiền tệ với ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank, sau lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Nga do chiến dịch của nước này tại Ukraine. Ba ngân hàng này là MUFG Bank, Mizuho Bank và Sumitomo Mitsui Banking Corp. đang thực hiện các giao dịch bằng đồng USD với Sberbank thông qua Mỹ. Những gián đoạn có thể buộc các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Nga tìm kiếm các kênh thanh toán thay thế như các ngân hàng không phải của Mỹ.
MUFG Bank, bộ phận ngân hàng cốt lõi của Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., cũng sẽ dừng chuyển tiền vào Sberbank bằng các đồng ngoại tệ khác./.