Báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/4 cho thấy thâm hụt ngân sách của nước này đã giảm hơn 50% trong sáu tháng đầu của tài khóa 2022 (bắt đầu từ tháng 10/2021 và kết thúc vào 2/2022), từ 1.000 tỷ USD xuống còn 668 tỷ USD.
Tiêu điểm kinh tế toàn cầu ngày 13/4/2022

Xem thêm: Công nghệ bị bán tháo: 2 cổ phiếu tăng trưởng nên mua và 1 cổ phiếu cần bán
Ngân sách Mỹ giảm tới 50% thâm hụt trong nửa đầu tài khóa 2022
Giữa bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các công ty hoạt động bình thường trở lại, các khoản chi của chính phủ cho trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh trong khi nguồn thu thuế từ các cá nhân và gia đình tăng lên. Điều này giúp thâm hụt ngân sách trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 đã giảm 61% so với cùng kỳ của tài khóa 2021.
Cũng theo báo cáo, trong sáu tháng đầu tài khóa 2022, các khoản thu tăng 25% trong khi các khoản chi tiêu giảm 18% với chi tiêu của Bộ Lao động, cơ quan quản lý nhiều chương trình hỗ trợ người thất nghiệp trong đại dịch, đã giảm 87%. Khi lạm phát và lãi suất đi vay tăng lên, khoản trả lãi cho nợ công đã tăng 44% trong tháng Ba và tăng 27% trong sáu tháng qua.
Lãi suất của Mỹ có khả năng tăng cao hơn sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục nâng lãi suất chuẩn, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm dự kiến được đưa ra vào cuộc họp tháng Năm.
Nợ công của Mỹ lần đầu tiên vượt 30.000 tỷ USD vào ngày 1/2 trong bối cảnh lạm phát leo thang và lãi suất dự kiến sẽ tăng, làm gia tăng lo ngại về sự bền vững tài khóa. Ủy ban ngân sách liên bang dự báo nợ công của Mỹ sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD trong năm nay và gần 13.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Mỹ hối thúc các nước đẩy nhanh chuyển đổi sang nguồn năng lượng “sạch và độc lập”
Ngày 13/4, Đặc phái viên của Nhà Trắng về Khí hậu John Kerry cho biết cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy đã đến lúc thế giới chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và độc lập. Ông Kerry đã hối thúc các nước tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời kêu gọi ngành vận tải biển sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn khi cho rằng ngành này là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ 8 của thế giới.
Phát biểu trên của ông Kerry được đưa ra khi giá năng lượng toàn cầu tăng cao vì cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nga hiện đang cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho cả châu Âu. Riêng trong năm 2021, nước này xuất khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Lạm phát của Đức cao nhất trong vòng 40 năm
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3/2022 đã tăng lên 7,3% so với cùng kỳ năm trước, qua đó chạm mức cao nhất của 40 năm.
Theo báo cáo của Destatis, tỷ lệ lạm phát ở mức cao tương tự gần nhất được ghi nhận vào mùa Thu năm 1981, khi giá dầu tăng đột biến do kết quả của Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất giữa Iraq và Iran.
Chủ tịch của Destatis Georg Thiel cho biết ngoài tình trạng tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine cũng có “tác động rõ rệt đến tốc độ tăng giá ở Đức, đặc biệt là đối với dầu sưởi, nhiên liệu động cơ, khí đốt tự nhiên cũng như một số sản phẩm thực phẩm.
Giá tiêu dùng cho năng lượng gia dụng và nhiên liệu động cơ đã tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu sưởi ấm đặc biệt tăng mạnh tới 144%. Vào cùng giai đoạn, giá nhiên liệu tiêu chuẩn E10 và dầu diesel tại các trạm xăng ở Đức lần đầu tiên leo lên trên mốc 2 euro (2,18 USD) mỗi lít.
Cũng trong tháng Ba, giá lương thực của nước này tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Destatis, giá dầu ăn, chẳng hạn như dầu hướng dương hoặc dầu hạt cải, tăng 30% trong khi rau tươi đắt hơn 14,8%.
Hoạt động đi lại bằng đường hàng không trên thế giới “sôi động” trở lại
Theo bài viết trên trang tin trực tuyến Flightglobal.com, khác với năm 2020 và 2021, năm nay, các nước trên thế giới đã nhanh chóng nới lỏng nhiều hạn chế hơn khi đồng loạt mở cửa trở lại và cắt giảm tối đa quy trình cách ly, xét nghiệm COVID-19. Chính vì vậy, nhiều hãng hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tăng thêm ghế trên các chuyến bay quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của du khách.
Công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho biết trong tháng 4 này, các hãng hàng không sẽ chứng kiến sức chứa trên các chuyến bay tăng mạnh so với tháng 4/2021. Tại 14 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trọng điểm, sức chứa trên các chuyến bay có thể sẽ tăng trung bình 96% so với năm ngoái. Thái Lan sẽ là quốc gia ghi nhận mức tăng mạnh nhất, với số ghế trên các chuyến quốc tế dự kiến tăng 186% lên 850.000 chỗ ngồi.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất giảm sức chứa trên các chuyến bay quốc tế trong tháng 4, khi các hãng hàng không nước này cắt giảm khoảng 27% số ghế so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuba cho phép chuỗi bán lẻ tự định giá một số sản phẩm bằng đồng nội tệ
Ngày 12/4, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba (MFP) cho biết nước này cho phép một số chuỗi bán lẻ và các đơn vị liên quan thiết lập giá cả một số mặt hàng bằng đồng peso Cuba (CUP).
Theo Nghị định số 81 năm 2022 do MFP ban hành, người đứng đầu chuỗi cửa hàng và các đơn vị bán lẻ liên quan được quyền phê duyệt mức giá của một số mặt hàng, trừ các sản phẩm thiết yếu có tác động lớn đến đời sống dân sinh như dầu ăn, thịt gà, thịt băm các loại và rượu rum Havana Club. Các mặt hàng vệ sinh sản xuất trong nước như xà phòng tắm, bột giặt, kem đánh răng, lăn khử mùi và giẻ lau nhà cũng được coi là thiết yếu và do đó giá cả sẽ vẫn do Nhà nước quy định.
Với nghị định nói trên, Cuba đang dần trao quyền cho các hệ thống kinh doanh để quyết định giá bán lẻ sản phẩm bằng đồng nội tệ sau khi đánh giá toàn diện chi phí và các tiêu chí như tính hợp lý và hiệu quả kinh doanh, cũng như tính tương quan với các tiêu chuẩn thị trường.