Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei ngày 28/3 cho rằng dầu mỏ không nên bị ngăn chặn ở bất cứ nước nào bởi “thế giới đang rất cần nguồn cung”.
Tiêu điểm kinh tế toàn cầu ngày 29/3/2022

Xem thêm: Bitcoin tăng giá, những người nắm giữ đang tích lũy
UAE: Dầu mỏ không nên bị ngăn chặn ở bất cứ nước nào
Hãng thông tấn WAM dẫn lời ông al-Mazrouei Bộ trưởng Năng lượng UAE cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ thảo luận về thực trạng cung-cầu trong cuộc họp sắp tới. Ông al-Mazrouei cũng nhấn mạnh OPEC+ không phải là một tổ chức chính trị và các thành viên chỉ tập trung vào việc bảo đảm cân bằng cho thị trường.
Phát biểu trên kênh truyền hình Asharq, ông al-Mazrouei cho biết “không thể thảo luận các vấn đề chính trị trong OPEC+. Việc nâng sản lượng sẽ chỉ được thực hiện sau khi cân nhắc thận trọng và thông qua sự đồng thuận của các thành viên”.
Ukraine: Thiệt hại do xung đột lên tới 565 tỷ USD
Chính phủ Ukraine ước tính thiệt hại kinh tế sau hơn 1 tháng xung đột với Nga là gần 565 tỷ USD. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko cho biết con số ước tính là 564,9 tỷ USD (515,8 tỷ euro) bao gồm thiệt hại trước mắt cùng với thiệt hại dự kiến trong hoạt động kinh tế và thương mại. Bà Svyrydenko viết: “Cần lưu ý rằng các con số đều thay đổi từng ngày và thật không may là chúng đang tăng”. Thiệt hại đối với tài sản công và tư là yếu tố lớn nhất. Theo bà Svyrydenko, thiệt hại cơ sở hạ tầng công cộng – bao gồm đường sá, đường sắt và sân bay bị hư hỏng – tổng cộng lên tới 119 tỷ USD, trong khi thiệt hại đối với tài sản tư nhân, kể cả nhà ở, là 90,5 tỷ USD.
Thiệt hại và mất mát của các công ty tư nhân là 80 tỷ USD. Bà Svyrydenko ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 sẽ giảm 112 tỷ USD, hơn 55% so với năm trước. Chính phủ Ukraine nhiều khả năng sẽ mất 48 tỷ USD doanh thu từ thuế, hoặc gần như tất cả những gì họ mong đợi sẽ thu được trong năm nay. Trong khi đó, 54 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ không thành hiện thực./.
Kinh tế châu Á–Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5,1% năm 2022
Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới S&P Global Ratings dự đoán các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2022, với Malaysia tăng trưởng 5,8%, nhờ sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 của khu vực diễn ra sớm hơn so với Mỹ và châu Âu. Theo S&P Global Ratings, dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 4,5% trong giai đoạn 2023-2025 có nghĩa rằng châu Á–Thái Bình Dương có khả năng sẽ tiếp tục vị thế là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Đối với Đông Nam Á, S&P cho rằng khu vực này đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu tăng trưởng yếu và xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến kinh tế khu vực trong năm 2022. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng xuất khẩu và sản xuất, vốn là những động lực tăng trưởng chính trong năm 2021, trong khi bất ổn gia tăng và giá năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng trong nước. Do vậy, dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Nam Á sẽ bị hạn chế từ mức 5,6% xuống còn 5,0%. Giá năng lượng cao sẽ là tác động tiêu cực đến người tiêu dùng trong khu vực cũng như cán cân tài khoản vãng lai của một số quốc gia.
Trong khi đó, Malaysia có vị trí thuận lợi trong việc chống chọi với giá năng lượng cao hơn khi nước này vốn là nước xuất khẩu năng lượng ròng, chủ yếu là khí đốt. Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ không được hưởng lợi lớn từ việc tăng giá năng lượng do chính phủ nước này nhiều khả năng sẽ hạn chế mức gia tăng mà có thể sẽ chuyển sang người tiêu dùng trong nước.
Nhật Bản cấm xuất khẩu ô tô hạng sang và các xa xỉ phẩm khác sang Nga
Ngày 29/3, trong một tuyên bố, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết nước này sẽ cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga từ ngày 5/4, phản ứng mới nhất đối với việc Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine. Bộ trên cho biết các mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Nga bao gồm ô tô hạng sang, xe máy, rượu, mỹ phẩm, đồ thời trang và các tác phẩm nghệ thuật. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Koichi Hagiuda, phát biểu tại họp báo cho biết nước này sẽ phối với với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7, thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn.
Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, ô tô chiếm một tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga, với tổng giá trị đạt 627,8 tỷ yen (5 tỷ USD) vào năm 2020.
Giá cả tăng, mức lương của các CEO càng tăng mạnh
Trong khi lương tăng 4% trong năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001, người Mỹ đang phải mua sắm tốn kém hơn. Thu nhập thực tế của người lao động giảm 2,4% khi điều chỉnh theo lạm phát. Trong khi đó, theo Viện Chính sách Kinh tế, lương của các giám đốc điều hành (CEO) tăng 19% trong năm 2020, năm đầu tiên bùng phát đại dịch, dù nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động.
Một ví dụ là Chipotle. Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh này đã tăng giá bán 10% trong hai năm qua, dù lợi nhuận tăng mạnh. CEO của Chipotle, Brian Niccol, hưởng mức lương 38 triệu USD trong năm 2020, gấp 2.898 lần so với mức lương trung bình của nhân viên tại cửa hàng.
Thương hiệu cà phê Starbucks cũng gây chú ý khi tăng giá bán dù lợi nhuận tăng hơn 30% trong năm ngoái. CEO của chuỗi cửa hàng này, Kevin Johnson, cũng có mức thu nhập tăng gần 40%, lên hơn 20 triệu USD./.