Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu là gì?
Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu là tổng giá trị đô la của vốn chủ sở hữu của một công ty, còn được gọi là vốn hóa thị trường. Thước đo giá trị của một công ty được tính bằng cách nhân giá cổ phiếu hiện tại với tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Do đó, giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu của một công ty sẽ thay đổi khi hai biến đầu vào này thay đổi. Dữ liệu này được sử dụng để đo lường quy mô của một công ty và giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa khoản đầu tư của họ trên các công ty có quy mô khác nhau và mức độ rủi ro khác nhau.
Các nhà đầu tư muốn tính toán giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu có thể tìm thấy tổng số cổ phiếu đang lưu hành bằng cách xem xét phần vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán của công ty.

Xem thêm: Cổ phiếu Adobe đã tụt hậu – và có thể sẽ trở lại với điểm dữ liệu này
Tìm hiểu về giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu
Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu của một công ty có thể được coi là tổng giá trị của công ty do các nhà đầu tư quyết định. Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu có thể thay đổi đáng kể trong một ngày giao dịch, đặc biệt là khi có những thông tin đáng chú ý như lợi nhuận. Các công ty lớn có xu hướng ổn định hơn về giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu do số lượng và sự đa dạng của các nhà đầu tư họ có. Các công ty nhỏ, giao dịch mỏng có thể dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi tới hai chữ số trong giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu vì chỉ một số lượng giao dịch tương đối nhỏ cũng đủ đẩy cổ phiếu lên hoặc xuống. Đây cũng là lý do tại sao các công ty nhỏ dễ trở thành mục tiêu của lũng đoạn thị trường.
Những điểm chính
- Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu đại diện cho số lượng nhà đầu tư cho rằng một công ty có giá trị trong ngày hôm đó.
- Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu cũng là vốn hóa thị trường và cả hai được tính bằng cách nhân tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá hiện tại trên mỗi cổ phiếu.
- Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu thay đổi trong suốt ngày giao dịch khi giá cổ phiếu dao động.
Cách tính giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu
Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu được tính bằng cách nhân số cổ phiếu đang lưu hành với giá cổ phiếu hiện tại. Ví dụ vào ngày 28 tháng 3 năm 2019, cổ phiếu Apple đã giao dịch ở mức 188,72 USD mỗi cổ phiếu. Vào ngày hôm đó, chương trình mua lại cổ phần thường của công ty đã giảm số cổ phiếu đang lưu hành từ hơn 6 tỷ xuống còn 4.715.280.000. Như vậy, giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu sẽ được tính như sau:
Giá cổ phiếu (188,72 USD) X Số cổ phiếu lưu hành (4.715.280.000) = 889.867.641.600 USD
Để cho gọn người ta thường đọc giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu trên là 889,9 tỷ USD.
Sự khác biệt giữa giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu, giá trị doanh nghiệp và giá trị sổ sách
Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu có thể được so sánh với các định giá khác như giá trị sổ sách và giá trị doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp kết hợp với giá trị thị trường của một công ty được đưa ra xem xét cùng với tổng số nợ trừ tiền mặt và các khoản tương đương tiền để cho ra phác thảo sơ bộ về việc định giá tiếp quản công ty.
Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu cũng khác biệt với giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu. Giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu được tính dựa trên vốn chủ sở hữu của cổ đông, chiếm một mục dòng riêng trên bảng cân đối tài chính của công ty. Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu của công ty khác với giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu vì giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu tập trung vào tổng tài sản sở hữu và tổng nợ phải trả. Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu thường được cho là có thể dùng để đánh giá một số tiềm năng tăng trưởng của một công ty nằm ngoài bảng cân đối tài chính. Nếu giá trị sổ sách cao hơn giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu thì có thể là do sự thiếu sót của thị trường. Điều này có nghĩa là công ty là một đối tượng mua vào tiềm năng.
Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu và hồ sơ thị trường (market profile)
Về tổng thể có ba cấp độ vốn hóa thị trường khác nhau và mỗi cấp độ lại có hồ sơ riêng. Các công ty có vốn hóa thị trường dưới 2 tỷ USD được coi là vốn hóa nhỏ hay Small-cap. Các công ty có vốn hóa thị trường từ 2 tỷ đến 10 tỷ USD được coi là cổ phiếu vốn hóa trung bình, còn gọi là Mid-cap. Các công ty có vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD được xen là vốn hóa lớn hoặc Large-cap.
Mỗi cấp độ có một hồ sơ có thể giúp các nhà đầu tư có được những hiểu biết sâu sắc về hành vi của công ty. Small-cap nói chung là các công ty trẻ trong giai đoạn phát triển tăng trưởng. Chúng có rủi ro, nhưng lại có tiềm năng tăng trưởng cao hơn. Large-cap là công ty trưởng thành với tiềm năng tăng trưởng không cao nhưng ổn định. Mid-cap trung hòa giữa hai thái cực đó. Bằng cách sở hữu cổ phiếu của cả ba loại, các nhà đầu tư sẽ đảm bảo một lượng đa dạng hóa nhất định trong tài sản, bán hàng, trưởng thành, quản lý, tốc độ tăng trưởng, triển vọng tăng trưởng và độ sâu thị trường.