Thứ Bảy, Tháng Sáu 3, 2023
Trang chủBài học đầu tưÝ nghĩa thực sự của việc sở hữu một cổ phiếu

Ý nghĩa thực sự của việc sở hữu một cổ phiếu

Hầu hết mọi người đều hiểu rằng sở hữu cổ phiếu có nghĩa là mua một tỷ lệ sở hữu trong công ty, nhưng nhiều nhà đầu tư mới có quan niệm sai lầm về lợi ích và trách nhiệm của việc trở thành một cổ đông. Phần lớn những hiểu lầm đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về số lượng quyền sở hữu mà mỗi cổ phiếu đại diện. Đối với các công ty lớn, chẳng hạn như Apple (AAPL) và Exxon Mobil (XOM), một cổ phiếu chẳng qua như một giọt nước giữa biển khơi mà thôi. Ngay cả khi bạn sở hữu số cổ phiếu trị giá 1 triệu USD, bạn vẫn là một củ khoai tây nhỏ với rất ít vốn cổ phần trong công ty.

Ý nghĩa thực sự của việc sở hữu một cổ phiếu

Vậy sở hữu cổ phiếu có ý nghĩa thế nào? Chúng ta hãy cùng điểm qua ba quan niệm sai lầm lớn nhất về việc trở thành cổ đông.

Ý nghĩa thực sự của việc sở hữu một cổ phiếu

Xem thêm: Những sai lầm phổ biến nên tránh của nhà giao dịch mới

Những điểm chính

  • Các cổ đông sở hữu cổ phần của một công ty, nhưng mức độ sở hữu có thể không đại diện cho lợi ích và trách nhiệm mong muốn.
  • Hầu hết các cổ đông không có quyền kiểm soát trực tiếp đối với hoạt động của công ty, mặc dù một số có quyền biểu quyết theo một số thẩm quyền, chẳng hạn như bỏ phiếu cho các thành viên hội đồng quản trị.
  • Là cổ đông không có nghĩa là bạn được giảm giá hoặc có thể chiếm đoạt tài sản theo ý muốn.

Quan niệm sai lầm thứ nhất: Tôi là ông chủ

Trước hết, tốt hơn hết bạn không nên nghĩ rằng bạn có thể mang chứng chỉ cổ phần của mình vào trụ sở công ty và chỉ đạo mọi người ở đó hay đòi hỏi một văn phòng góc. Là chủ sở hữu của cổ phiếu, bạn đã đặt niềm tin vào ban lãnh đạo của công ty cũng như phương thức xử lý tình huống của họ. Nếu không hài lòng với ban lãnh đạo, bạn luôn có thể bán cổ phiếu của mình, nhưng nếu bạn hài lòng, bạn nên giữ cổ phiếu và trông đợi lợi nhuận khả quan.

Hơn nữa, lần tới khi bạn băn khoăn liệu mình có phải là người duy nhất lo lắng về giá cổ phiếu của công ty hay không, bạn nên nhớ rằng nhiều giám đốc điều hành cấp cao của công ty có thể sở hữu cổ phiếu nhiều ngang bạn, nếu không muốn nói là nhiều hơn.

Tất nhiên điều đó không đảm bảo cổ phiếu của công ty sẽ có hiệu suất tốt, nhưng đó là một cách để các công ty tạo động lực cho các nhà điều hành của mình để duy trì hoặc tăng giá cổ phiếu. Tuy nhiên quyền sở hữu nội bộ là một con dao hai lưỡi, vì các giám đốc điều hành có thể tham gia vào một số hoạt động kinh doanh để tăng giá cổ phiếu một cách giả tạo, sau đó nhanh chóng bán ra cổ phiếu cá nhân của họ để kiếm lời.

Mặc dù bạn không thể trực tiếp quản lý công ty bằng cổ phiếu của mình, hãy bầu chọn những giám đốc có thể làm điều đó nếu bạn có quyền biểu quyết. Người có quyền biểu quyết sẽ quyết định quản lý cấp cao, quản lý cấp cao chọn quản lý cấp thấp và quản lý cấp thấp lại tuyển nhân viên cấp dưới. Do đó, với tư cách là chủ sở hữu cổ phiếu phổ thông, bạn có một chút tiếng nói trong việc kiểm soát định hình và hướng đi của công ty, mặc dù ‘quyền nói’ này không đại diện cho quyền kiểm soát trực tiếp.

55% người Mỹ sở hữu cổ phiếu theo một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup năm 2020

Quan niệm sai lầm thứ 2: Tôi được giảm giá hàng hóa và dịch vụ

Một quan niệm sai lầm khác là quyền sở hữu trong một công ty chuyển thành giá chiết khấu. Tất nhiên sẽ có một số ngoại lệ cho quy tắc này. Ví dụ như Berkshire Hathaway (BRK/A) tổ chức cuộc họp hàng năm cho các cổ đông của mình, nơi họ có thể mua hàng hóa với giá chiết khấu từ các công ty do Berkshire Hathaway nắm giữ. Tuy nhiên, thông thường điều duy nhất bạn nhận được với quyền sở hữu cổ phiếu là khả năng tham gia vào lợi nhuận của công ty.

Vậy có vấn đề gì với việc bạn được giảm giá? Chà, câu trả lời này có thể hơi phức tạp. Chỉ cần cân nhắc một chút, bạn có thể sẽ không muốn được giảm giá nữa. Hãy xem ví dụ về nhà hàng gà B (thuộc sở hữu của một nhóm nhỏ bạn bè) và công ty bia C (thuộc sở hữu của hàng triệu cổ đông khác nhau). Bởi vì chỉ có một số người sở hữu nhà hàng B, khoản chiết khấu sẽ chỉ là một phần nhỏ trong doanh thu mà chủ sở hữu sẽ chịu.

Đối với công ty bia C, thiệt hại về thu nhập và doanh thu cũng sẽ do chủ sở hữu (hàng triệu cổ đông) gánh chịu. Vì doanh thu là động lực chính của giá cổ phiếu và khoản lỗ do chiết khấu sẽ đồng nghĩa với việc giảm giá cổ phiếu, tác động tiêu cực của việc giảm giá sẽ đáng kể hơn đối với C. Vì vậy, mặc dù chủ sở hữu cổ phiếu có thể đã tiết kiệm được khi mua hàng hóa của công ty, nhưng họ sẽ thua lỗ khi đầu tư vào cổ phiếu của công ty. Do đó, giảm giá không hề tốt như nhiều người nghĩ ban đầu.

Quan niệm sai lầm thứ 3: Tôi sở hữu cái ghế, cái bàn, những chiếc bút, tài sản, v.v.

Là một nhà đầu tư vào một công ty, bạn sở hữu một phần của công ty (bất kể phần đó nhỏ đến mức nào); tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sở hữu tài sản của công ty. Hãy quay lại nhà hàng B và công ty C.

Thông thường, các công ty sẽ có các khoản vay để trả cho tài sản, thiết bị, hàng tồn trữ và những thứ cần thiết khác để hoạt động. Giả sử nhà hàng B nhận được một khoản vay từ một ngân hàng địa phương với những điều kiện nhất định, theo đó thiết bị và tài sản được sử dụng làm tài sản thế chấp. Đối với một công ty lớn như C, các khoản vay có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như từ ngân hàng hoặc từ các nhà đầu tư thông qua các phương thức phát hành trái phiếu khác nhau. Trong cả hai trường hợp, chủ sở hữu phải trả nợ trước khi nhận lại bất kỳ khoản tiền nào.

Đối với cả hai công ty, chủ nợ — trong trường hợp của C là ngân hàng và các trái chủ — có các quyền ban đầu đối với tài sản, nhưng họ thường sẽ không đòi lại tiền của mình trong khi các công ty có lãi và cho thấy khả năng hoàn trả tiền. Tuy nhiên, nếu một trong hai công ty mất khả năng thanh toán, thì chủ nợ sẽ là người đầu tiên có quyền với tài sản của công ty. Chỉ số tiền còn lại từ việc bán tài sản của công ty được phân phối cho các cổ đông.

Tổng kết

Hy vọng bài viết này có thể xóa tan mọi quan niệm sai lầm về quyền sở hữu của một số người nắm giữ cổ phiếu. Nếu lần tới bạn định mang chứng chỉ chứng khoán của mình vào cửa hàng McDonald đòi được ăn giảm giá, đòi sa thải nhân viên khi bị từ chối rồi đùng đùng bỏ về với chiếc máy làm kem, hãy nhớ về những lầm tưởng nói trên.

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI