Cổ phiếu fintech nào giữa Nu Holdings và StoneCo là lựa chọn đầu tư tốt hơn của Buffet?
Cổ phiếu fintech nào của Buffett đáng mua hơn?

Xem thêm: Robinhood ra mắt thẻ ghi nợ mới
Nu Holdings (NU) và StoneCo (STNE) thoạt nhìn có vẻ không phải là những lựa chọn rõ ràng cho các nhà đầu tư fintech. Hai công ty này chủ yếu hoạt động ở Brazil và do đó, ít thu hút được sự chú ý từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, 2 công ty này đã thu hút được các khoản đầu tư từ Warren Buffett và đội ngũ của ông tại Berkshire Hathaway. Sự quan tâm này của nhà tiên tri xứ Omaha có thể khiến các nhà đầu tư tự hỏi cổ phiếu fintech nào trong 2 cổ phiếu này có thể phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư bình thường.
So sánh giữa 2 công ty
Việc xác định xem cổ phiếu nào mang lại nhiều tiềm năng hơn đòi hỏi các nhà đầu tư phải hiểu bản chất của fintech ở Brazil. Brazil là một xã hội dựa vào tiền mặt, trong đó phần lớn dân số không có thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và tài khoản ngân hàng. Điều này có nghĩa là một công ty như PayPal (PYPL) không thể phục vụ nhiều người Brazil.
Nu và StoneCo phục vụ thị trường này theo những cách khác nhau đến mức họ không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nu tiếp cận thị trường này bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp thông qua nền tảng dịch vụ kỹ thuật số Nubank. Công ty cung cấp các sản phẩm tài chính như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, các khoản vay cá nhân và bảo hiểm nhân thọ.
Công ty đã thu hút hơn 54 triệu khách hàng và đã mở rộng ra ngoài Brazil, sang cả Mexico và Colombia. Nhờ Nubank, hơn 5,1 triệu người đã có thể mở tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng đầu tiên của họ.
Ngược lại, StoneCo phục vụ người tiêu dùng một cách gián tiếp, nhắm mục tiêu đến các doanh nghiệp theo cách tương đương với Block (SQ) ở các nước phát triển. Công ty cung cấp các giải pháp quản lý điểm bán hàng (POS) và công nghệ để giúp các doanh nghiệp chấp nhận nhiều hình thức thanh toán, mở rộng các tùy chọn thanh toán thương mại điện tử, quản lý tài chính của họ và tự động hóa các quy trình.
StoneCo cũng tạo ra sự khác biệt bằng cách cung cấp cho các đại lý của mình “tư duy của chủ sở hữu”, cho phép họ linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề của khách hàng một cách nhanh chóng. Ngoài ra, công ty cũng có thể nhanh chóng mở văn phòng tại bất kỳ địa phương nào và đào tạo kịp thời lực lượng bán hàng nếu nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ khách hàng của họ tăng lên ở một khu vực nhất định. Điều này đã giúp công ty thu hút được gần 492.000 khách hàng đang hoạt động (với số tiền gửi ít nhất là tương đương 400 triệu USD) và khoảng 200.000 khách hàng phần mềm đã đăng ký.
Ngoài các cơ sở khách hàng khác nhau, 2 cổ phiếu này cũng có những con đường khác nhau. Mặc dù cả 2 đều nhận được các khoản đầu tư sớm từ nhóm của Buffett, StoneCo đã IPO vào năm 2018 trong khi Nu mới ra mắt thị trường đại chúng vào tháng 12 năm 2021. Và mặc dù IPO muộn hơn, Nu vẫn là một công ty lớn hơn nhiều. Công ty này hiện có vốn hóa thị trường đến 35 tỷ USD trong khi StoneCo chỉ có vốn hóa 4 tỷ USD.
So sánh tình hình tài chính
Với đợt IPO của mình, Nu cũng vừa công bố báo cáo thu nhập đầu tiên. Trong năm 2021, công ty báo cáo doanh thu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 130% so với năm 2020. Với chi phí hoạt động tăng 116% và thuế thu nhập thấp hơn, Nu đã cắt giảm khoản lỗ xuống còn 165 triệu USD trong năm 2021, giảm xuống từ khoản lỗ 171 triệu USD trong năm 2020.
Trong khi đó, StoneCo đã mang về doanh thu 4,8 tỷ reais (950 triệu USD) trong năm 2021, tăng 45% so với kết quả của năm trước. Kết quả này đã được chuyển thành thu nhập ròng sau điều chỉnh 203 triệu reais (40 triệu USD), giảm 79% so với cùng kỳ. Thu nhập ròng giảm là do chi phí của công ty tăng mạnh, chủ yếu đến từ việc mua lại Linx (một công ty công nghệ chuyên về lĩnh vực bán lẻ) trong năm 2020. StoneCo cũng phải gánh chịu chi phí tài chính cao hơn do khối lượng trả trước tăng mạnh và chi phí huy động vốn cao hơn.
Cả 2 cổ phiếu đều đang sụt giảm kể từ khi Nu IPO (chỉ mới hơn 3 tháng trước). Ngoài ra, Nu cũng vẫn là cổ phiếu đắt tiền hơn. Cổ phiếu đang giao dịch với giá cao gấp 41 lần doanh thu, cao hơn một cách đáng kinh ngạc so với hệ số tương đương của StoneCo là 6 lần. Chênh lệch này làm cho Nu đắt hơn StoneCo khoảng 7 lần trên cơ sở định giá. Điều này cũng có thể giải thích một phần lý do tại sao vốn hóa thị trường của Nu cao gần gấp 9 lần quy mô của StoneCo mặc dù họ chỉ tạo ra gần gấp đôi doanh thu của công ty kia. Sự khác biệt đó có thể gây khó khăn cho việc lý giải mức định giá khá đắt của Nu Holdings.
Mua cổ phiếu Nu Holdings hay StoneCo?
Với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm fintech ở Brazil, cả 2 công ty đều có tiềm năng to lớn để mang lại lợi nhuận cho Buffett và những người theo gương ông. Tuy nhiên, chênh lệch định giá có thể biến StoneCo thành lựa chọn ưu tiên của hầu hết các nhà đầu tư.
Phải thừa nhận rằng Nu có vẻ được định vị tốt để tăng trưởng nhanh hơn, và công ty cũng giải quyết đầy đủ hơn tình trạng thiếu quyền truy cập vào hệ thống ngân hàng, vấn đề chính đang cản trở ngành fintech tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên, StoneCo cũng đang giải quyết nhu cầu fintech của doanh nghiệp và phần mềm doanh nghiệp trong khi có định giá chỉ bằng một phần nhỏ so với Nu. Do đó, StoneCo đang cung cấp một đề xuất giá trị hấp dẫn hơn so với cổ phiếu còn lại.