- Cổ phiếu Peloton đã giảm 72% trong năm nay, nhưng ban lãnh đạo của hãng vẫn chú trọng đến mục tiêu dài hạn. cafeforexvn.com
- Roku đã giảm đến 37%, nhưng công ty này vẫn tiếp tục hưởng lợi từ một yếu tố có ích trong dài hạn.
- Đại dịch Covid đã giúp cả hai công ty này thu hút được khách hàng mới.
Hai cổ phiếu tăng trưởng Peloton và Roku
Những yếu tố tác động ngắn hạn đã khiến hai cổ phiếu Peloton và Roku bị bán tháo, nhưng điều đó lại tạo cơ hội cho những nhà đầu tư thông minh.
Thị trường chứng khoán đôi khi sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn mua cổ phiếu với giá rẻ. Hai trường hợp điển hình trong số đó chính là nền tảng phát trực tuyến Roku (ROKU -2,24%) và nhà sản xuất thiết bị tập thể dục Peloton (PTON -2,02%).
Mỗi cổ phiếu này đã bị giảm giá đáng kể vào năm 2021. Nguyên nhân bị sụt giảm chủ yếu là do các yếu tố kinh tế vĩ mô nằm ngoài tầm kiểm soát của các công ty. Đại dịch Covid đã khiến nhu cầu sử dụng các dịch vụ và sản phẩm của Roku và Peloton tăng vọt, nhưng tiến trình mở cửa kinh tế trở lại đã có tác dụng ngược lại. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng dài hạn của họ vẫn rất khả quan.
Peloton muốn mỗi gia đình có một chiếc máy riêng
Peloton đã tăng doanh thu hơn 100% mỗi năm trong vài năm qua, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. Người tiêu dùng đánh giá rất cao các thiết bị thể dục có kết nối, từ đó cho phép họ tập thể dục tại nhà trong khi vẫn cảm nhận được sự hòa nhập như một phần của cộng đồng.
Một trong những yếu tố cơ bản tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng đó chính là tính thuận tiện của việc tập thể dục tại nhà so với khi tham gia tại phòng gym. Một số người có thể sẽ hoàn thành bài tập thể dục trên xe đạp hoặc máy chạy bộ Peloton trong thời gian ngắn hơn so với thời gian để đến phòng tập thể dục và tìm chỗ đậu xe.
Peloton bán cho khách hàng các thiết bị máy tập thể dục và gói đăng ký dịch vụ cho phép truy cập vào các bài tập trực tiếp và được ghi lại. Mảng kinh doanh đăng ký thu phí của doanh nghiệp này là điểm rất thú vị đối với các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do sẽ có một lúc nào đó, hầu hết những khách hàng mong muốn sở hữu một trong những chiếc máy của Peloton cuối cùng sẽ mua được một chiếc và doanh số thiết bị phần cứng sẽ chỉ phụ thuộc vào nhu cầu bản nâng cấp hoặc thay thế. Vì máy móc có xu hướng tồn tại lâu dài, nên những khoản thu đó có thể rất ít.
Ngược lại, các hộ gia đình đã có máy có thể tiếp tục trả phí đăng ký (39 USD mỗi tháng) trong vài năm hoặc lâu hơn. Hơn nữa, dịch vụ đăng ký mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Trong quý gần đây nhất, biên lợi nhuận gộp của Peloton chỉ đạt 12% cho phân khúc thiết bị và 67% cho phân khúc thuê bao đăng ký.
Quả thật, một trong những mục tiêu dài hạn của ban lãnh đạo Peloton là đưa sản phẩm của họ đến với nhiều hộ gia đình nhất có thể để thu hút họ trả phí cho gói đăng ký. Thực trạng gia tăng nhu cầu trong thời kỳ đại dịch đã đẩy nhanh kế hoạch đó. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế đã mở cửa trở lại, từ đó gián tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng và khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Tuy nhiên, Peloton vẫn đang là cái tên nóng sốt. Tính đến quý gần nhất, họ có 2,5 triệu khách hàng đăng ký và đến cuối năm 2022, ban lãnh đạo công ty dự đoán con số đó sẽ là 3,4 triệu người. Vì vậy, nhiều khả năng những gì mà nhà đầu tư lo lắng sẽ tan biến và thời vận của Peloton sẽ thay đổi.
Tham khảo thêm:
- Bảy sai lầm thường gặp khi lựa chọn cố vấn tài chính
- 3 cổ phiếu khai thác tiền điện tử để kiếm lời từ sự bùng nổ của Bitcoin
- Chuyển động kinh doanh thị trường nổi bật tuần qua 04/12/2021
Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang gây khó khăn cho Roku
Nền tảng phát trực tuyến tiên phong Roku cũng trải qua giai đoạn thăng hoa khi nhu cầu tăng vọt giữa lúc đại dịch bùng phát. Những người dân bị mắc kẹt ở nhà đã tìm mọi cách để giải trí, và phát trực tuyến nội dung video là một trong những lựa chọn hiển nhiên. Bạn không cần phải một người thợ lắp đặt chuyên nghiệp để nối cáp hoặc thiết bị vệ tinh. Bạn chỉ cần có một chiếc TV được kết nối mạng hoặc một đầu phát Roku để có thể kết nối mạng cho TV.
Khi đại dịch tiến triển xa hơn, các vấn đề mới cũng dần xuất hiện. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây ra tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu vốn được sử dụng trong các thiết bị của Roku. Roku đã chọn cách kinh doanh thân thiện với khách hàng khi tự hấp thụ chi phí giữa lúc giá cả tăng cao hơn thay vì “đá bóng” sang khách hàng thông qua con đường nâng giá. Kết quả là biên lợi nhuận gộp trong phân khúc sản phẩm truyền phát của Roku bị giảm xuống.
Roku cũng tương tự như Peloton ở chỗ họ kiếm tiền thông qua cả phần cứng và dịch vụ. Mảng phần cứng bao gồm các đầu phát Roku kết nối TV với nền tảng của họ. Mảng dịch vụ bao gồm nội dung xem được phát trực tuyến trên nền tảng của Roku, qua đó mang lại nguồn doanh thu từ quảng cáo.
Hiện tại, dịch vụ phát trực tuyến đang có lợi nhuận khủng với biên lợi nhuận gộp đến 65% trong quý gần đây nhất. Ngược lại, mảng phần cứng của họ báo lỗ 15%, nhưng đây là điều mà Roku chấp nhận làm để thu hút khách hàng mới và tăng thời lượng xem nội dung trên nền tảng của họ.
Về lâu dài, nội dung xem đang chuyển dần nhiều hơn sang các kênh phát trực tuyến thay vì truyền hình cáp. Roku đang có một vị thế tuyệt vời để hưởng lợi từ những yếu tố thuận lợi dài hạn như thế. Tuy vậy, trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của công ty này sẽ có nhiều biến động khi nền kinh tế các nước mở cửa trở lại, và đó là điều mà các nhà đầu tư đang tập trung quan tâm vào lúc này. Kết quả là, tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu Roku đã giảm 37%.
Nhìn chung, đại dịch Covid đã mang lại lợi ích cho cả Peloton và Roku và kết quả là cổ phiếu của họ đã tăng mạnh. Việc các nền kinh tế mở cửa trở lại đã có tác động ngược lại, và cổ phiếu của hai công ty đang giảm dần. Tuy nhiên, triển vọng tích cực và dài hạn cho Roku và Peloton vẫn không thay đổi nhiều. Đó chính là lý do hai cổ phiếu tăng trưởng tuyệt vời này rất đáng mua ngay bây giờ.
Đăng Khoa-Theo fool