
Dù bạn hỏi bất cứ nhà phân tích hay người hướng dẫn giao dịch nào thì họ cũng sẽ nói với bạn rằng quản trị rủi ro có vai trò vô cùng quan trọng. Vậy quản trị rủi ro là gì và làm thế nào để quản trị rủi ro? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn từng bước về khái niệm quan trọng nhất trong giao dịch tài chính này.
Quản trị rủi ro
Xác định khả năng chịu rủi ro
Khả năng chịu rủi ro phụ thuộc vào kế hoạch của mỗi cá nhân khi giao dịch trên thị trường. Hầu hết những người hướng dẫn giao dịch sẽ đưa ra các mức tỷ lệ rủi ro như 1%, 2% hoặc lên đến 5% trên tổng giá trị tài khoản của mỗi giao dịch khớp lệnh. Tuy nhiên, độ thoải mái với mức độ rủi ro của bạn phần lớn lại dựa trên mức độ kinh nghiệm mà bạn có. Các trader mới thường không chắc chắn về bản thân do thiếu kiến thức và chưa quen với giao dịch và nền tảng giao dịch mới. Vì vậy, đối với các trader mới thì sử dụng tỷ lệ rủi ro thấp sẽ hợp lý hơn.
Nếu bạn đã cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng nền tảng giao dịch thì bạn sẽ có thể tăng tỷ lệ phần trăm rủi ro của mình nhưng hãy thận trọng, đừng tăng quá cao. Đôi khi các phương pháp giao dịch có thể khiến bạn thua lỗ triền miên trong khi mục tiêu cuối cùng trong đầu tư là tạo ra lợi nhuận hoặc phải duy trì đủ số vốn để thực hiện các giao dịch tiếp theo.
Ví dụ: nếu phương pháp giao dịch của bạn là đặt trung bình một lệnh giao dịch mỗi ngày với tỷ lệ rủi ro là 10% số dư ban đầu hàng tháng cho mỗi giao dịch thì về mặt lý thuyết, nếu bạn thua lỗ liên tiếp 10 giao dịch thì tài khoản của bạn sẽ không còn tiền. Vì vậy, ngay cả khi bạn là một trader có kinh nghiệm thì cũng không nên đặt tỷ lệ rủi ro quá cao trong một giao dịch.
Ngược lại, nếu bạn chịu rủi ro 2% cho mỗi giao dịch khớp lệnh thì về mặt lý thuyết, bạn phải thua lỗ 50 giao dịch liên tiếp thì mới hết tiền trong tài khoản. Theo bạn thì rủi ro nào có nhiều khả năng xảy ra hơn: thua lỗ 10 giao dịch hay 50 giao dịch liên tiếp?
SỐ DƯ BAN ĐẦU | % RỦI RO TRÊN MỖI GIAO DỊCH | SỐ TIỀN RỦI RO TRÊN MỖI GIAO DỊCH | SỐ LẦN GIAO DỊCH TIẾP THEO TRƯỚC KHI TÀI KHOẢN VỀ 0 |
10.000 USD | 10% | 1.000 USD | 10
|
10.000 USD | 5% | 500 USD | 20
|
10.000 USD | 3% | 300 USD | 33
|
10.000 USD | 2% | 200 USD | 50
|
10.000 USD | 1% | 100 USD | 100 |
Xác định số lượng hợp đồng giao dịch
Có vô số các phương pháp được sử dụng khi giao dịch. Một số phương pháp cho phép bạn thiết lập mục tiêu cắt lỗ và mức lợi nhuận cụ thể trên từng giao dịch. Mức thiết lập này sẽ thay đổi tuỳ theo từng phương pháp. Ví dụ, nếu bạn sử dụng chiến lược yêu cầu cắt lỗ 20 pip trên mỗi giao dịch và bạn chỉ giao dịch cặp tiền tệ EUR/USD thì sẽ dễ dàng tìm ra số lượng hợp đồng bạn có thể tham gia để đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, đối với những chiến lược thay đổi về mức cắt lỗ hoặc thậm chí là tài sản giao dịch thì việc tìm ra số lượng hợp đồng để tham gia sẽ khó khăn hơn.
Một trong những cách dễ nhất để biết được số tiền mà bạn chấp nhận rủi ro trong mỗi giao dịch là xác định khối lượng vị thế của bạn. Một lô tiêu chuẩn trong giao dịch tiền tệ là 100.000 đơn vị tiền tệ với 10 USD/pip trên cặp tiền tệ EUR/USD. Nếu đô la Mỹ (USD) là đơn vị tiền tệ cơ bản thì khối lượng một lô nhỏ là 10.000.

Nếu bạn chịu rủi ro là 15 USD mỗi pip trong giao dịch cặp tiền tệ EUR/USD thì bạn sẽ không thể giao dịch các lô tiêu chuẩn do bạn sẽ phải chịu rủi ro không nhiều thì ít trên mỗi giao dịch. Trong khi cả lô nhỏ và lô siêu nhỏ vẫn có thể giúp bạn đạt được số tiền mong muốn. Tương tự, với mức rủi ro là 12,50 USD mỗi pip trong một giao dịch, cả lô tiêu chuẩn và lô nhỏ đều không giúp bạn đạt được kết quả mong muốn, trong khi lô siêu nhỏ có thể làm được điều đó.
Trên thị trường giao dịch, thời gian và mức độ rủi ro linh hoạt là một yếu tố quyết định sự thành công của bạn.
Xác định thời gian giao dịch
Không có gì khiến bạn nản lòng hơn khi bỏ lỡ một giao dịch có khả năng sinh lời chỉ vì bạn không có ở đó khi cơ hội xuất hiện. Do thị trường Forex hoạt động 24 giờ một ngày nên vấn đề này xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt nếu bạn sử dụng các biểu đồ với khung thời gian nhỏ. Giải pháp hợp lý nhất để bạn không bỏ lỡ cơ hội là thiết lập hoặc mua rô bốt giao dịch tự động. Tuy nhiên tính năng này không khả thi đối với một bộ phận lớn các trader không tin tưởng vào công nghệ, công ty công nghệ hoặc muốn tự kiểm soát giao dịch.
Điều đó có nghĩa là bạn phải sẵn sàng, trực tiếp thực hiện các giao dịch và chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần và thể chất khi cơ hội xuất hiện. Việc thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để giao dịch thường không khả thi trừ khi bạn chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày. Vì vậy, những người bình thường có công việc, con cái, có sở thích tập luyện thể thao, có các mối quan hệ xã hội và công việc nhà cần phải suy nghĩ kỹ hơn một chút về thời gian tham gia giao dịch. Biểu đồ 4 giờ, 8 giờ hoặc hàng ngày sẽ phù hợp hơn với những người cảm thấy thoải mái khi dành hầu hết thời gian để giao dịch.
Một cách khác để quản trị rủi ro khi bạn không trực sẵn trước màn hình máy tính là đặt các lệnh cắt lỗ trailing stop. Lệnh này cho phép giao dịch tiếp tục tăng giá trị trong khi giá thị trường di chuyển theo hướng có lợi, nhưng tự động đóng giao dịch nếu giá thị trường đột ngột di chuyển theo hướng bất lợi trong một khoảng cách xác định. Chính vì vậy mà trailing stop có thể là một phần quan trọng của bất kỳ chiến lược giao dịch nào.
Khi giá thị trường di chuyển theo hướng có lợi (tăng đối với các vị thế mua, giảm đối với các vị thế bán), giá kích hoạt sẽ tuân theo giá thị trường theo khoảng cách dừng xác định. Nếu giá thị trường di chuyển theo hướng bất lợi, giá kích hoạt sẽ đứng yên và khoảng cách với giá thị trường trở nên nhỏ hơn. Nếu giá thị trường tiếp tục dịch chuyển theo hướng bất lợi cho đến khi đạt đến mức giá kích hoạt thì một lệnh đóng giao dịch sẽ được thực hiện.
Tránh khoảng trống giá vào cuối tuần
Nhiều người tham gia thị trường biết rằng trên thực tế hầu hết các thị trường lớn sẽ đóng cửa vào chiều thứ Sáu theo múi giờ miền Đông ở Mỹ. Các nhà đầu tư sẽ dừng hoạt động giao dịch vào cuối tuần và các bảng giá trên khắp thế giới đóng băng như thể giá vẫn ở mức đó cho đến lần giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế thì giá giao dịch không hề đóng băng. Giá vẫn dao động lên xuống dựa trên những diễn biến của ngày cuối tuần và có thể biến động lớn so với vị thế đóng cửa ngày thứ Sáu, biến động cho đến khi thị trường mở cửa trở lại sau đầu tuần tiếp theo.
Điều này có thể tạo ra “khoảng trống giá” trên thị trường, có thể vượt quá mục tiêu cắt lỗ hoặc lợi nhuận dự kiến của bạn. Nếu bạn đang ở vị thế mua mà giá sau cao hơn thì đó sẽ là một điều tốt, còn ngược lại thì có thể bạn sẽ bị thua lỗ. Bạn có khả năng sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn hơn dự định vì lệnh cắt lỗ được thực hiện ở mức giá được thiết lập sẵn sau khi được kích hoạt. Số tiền thua lỗ có thể nhiều hơn so với dự định của bạn.
Mặc dù khoảng trống giá hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có và có thể khiến bạn mất cảnh giác. Như trong hình minh họa bên dưới, khoảng trống giá có thể cực kỳ lớn và có thể vượt quá điểm dừng cắt lỗ nếu điểm dừng này nằm trong khoảng trống giá. Để tránh việc này xảy ra bạn nên đóng giao dịch của mình trước ngày cuối tuần và thậm chí nên tìm cách tận dụng cơ hội này bằng cách sử dụng kỹ thuật giao dịch khoảng trống giá.

Xem thêm: Năm động lực chính của thị trường Forex
Theo dõi Tin tức
Các sự kiện tin tức có thể đặc biệt ảnh hưởng đến phương pháp quản trị rủi ro của trader. Một số sự kiện tin tức nhất định như việc làm, quyết định của ngân hàng trung ương hoặc báo cáo lạm phát có thể tạo ra những động thái lớn bất thường trên thị trường và có khả năng tạo ra khoảng trống giá tương tự như cuối tuần nhưng sẽ xảy ra đột ngột hơn nhiều. Cũng giống như khoảng trống giá vào cuối tuần, giá có thể vượt qua các điểm dừng hoặc điểm mục tiêu. Điều tương tự có thể xảy ra trong vài giây sau một sự kiện tin tức lớn. Vì vậy, trừ khi bạn đã có một chiến lược rủi ro cụ thể, bạn nên đặt lệnh giao dịch trước khi những sự kiện tin tức đó diễn ra. Giao dịch sau những sự kiện biến động đó thường là một quyết định rủi ro hơn.
Đầu tư với số tiền phải chăng
Các tổ chức giao dịch có trách nhiệm phải khuyến cáo trader một nguyên tắc trong giao dịch, đó là bạn không bao giờ nên đầu tư nhiều hơn số tiền mà bạn có thể để mất. Sở dĩ nguyên tắc này được đưa ra là do giao dịch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và khó khăn. Nếu bạn đặt cược tất cả những gì bạn có vào rủi ro trước các động lực thị trường đầy biến động và khó dự đoán thì cũng giống với việc bạn đặt tất cả số tiền tiết kiệm vào sòng bạc đỏ đen tại bàn cược của sòng bạc Vegas. Vì vậy, đừng đánh cược tất cả số tiền khó khăn lắm bạn mới kiếm được mà hãy đầu tư một cách thông minh và nhất quán.
Liệu bạn sẽ là một trader thành công nếu tuân theo tất cả sáu thành tố giúp quản trị rủi ro phía trên? Câu trả lời là không. Ngoài các điều trên thì còn các yếu tố khác cần được xem xét để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, chủ động quản trị rủi ro có thể làm tăng khả năng thành công lâu dài của bạn.
Vân Anh-Theo forex