Đồng ruble của Nga đã có lúc chạm mức cao nhất trong hơn 5 tuần trong giao dịch đầu giờ tại Moskva ngày 1/4 trước khi ổn định trong phạm vi 83-84 ruble/USD. Thị trường chứng khoán Nga tăng điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư để mắt đến các sự kiện ở Ukraine và những diễn biến xung quanh việc thanh toán khí đốt đang diễn ra.
Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 2/4/2022

Đồng ruble rời khỏi mức cao nhất của 5 tuần
Vào lúc 13 giờ 19 GMT ngày 1/4 (khoảng 20 giờ 19 phút theo giờ Việt Nam), đồng ruble giảm 0,2% so với đồng USD, giao dịch ở mức 83,37 ruble/USD. Trước đó đồng tiền này đã giao dịch ở mức 80,3325 ruble/USD, mức cao nhất kể từ ngày 23/2. Đồng ruble đã tăng 0,2% so với đồng euro, giao dịch ở mức 92,31 ruble/euro.
Trên thị trường liên ngân hàng, đồng ruble đã tăng lên 75 ruble/USD vào đầu tuần này và dao động gần mức 81 ruble/USD trong phiên 30/3. Đồng ruble giao dịch ở mức 83,1 ruble/USD trên nền tảng điện tử EBS.
Trước đó, cùng ngày, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) cho biết nước này đang nới lỏng các hạn chế về chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân trong vòng 6 tháng. Biện pháp này sẽ không áp dụng đối với những công dân và không phải công dân đến từ những nước áp đặt trừng phạt với Nga.
Các nhà phân tích của Promsvyazbank cho biết “bước đi này giống như một tín hiệu cho thấy nếu đồng ruble mạnh lên hơn nữa, chúng ta có thể mong đợi các biện pháp tiếp theo để giảm bớt các hạn chế kiểm soát tiền tệ”.
Các chỉ số chứng khoán của Nga chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/2 trước khi đà tăng chững lại.
Chỉ số RTS tính bằng đồng USD tăng 2,3% lên 1.042,8 điểm. Chỉ số MOEX tính bằng đồng ruble tăng 2,3% ở mức 2.759,1 điểm. Cổ phiếu của “gã khổng lồ” khí đốt Gazprom đã tăng khoảng 3,7%.
Đồng USD kỹ thuật số sẽ là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi
Đồng bitcoin và các loại tiền điện tử chủ chốt khác sẽ sớm có một đối thủ cạnh tranh “đáng gờm”. Đó là đồng USD kỹ thuật số. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét việc tham gia cùng các ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Xem thêm: Vàng đen kết thúc tuần giao dịch biến động với phiên giảm sâu
Đồng USD kỹ thuật số sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi của các ngân hàng, các chính phủ lớn và người tiêu dùng. Đồng USD kỹ thuật số sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với đồng bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Nó sẽ có nhiều thuộc tính của tiền điện tử và được các chính phủ hỗ trợ.
Đối với các ngân hàng, đồng tiền kỹ thuật số này sẽ cho phép mọi người chuyển tiền trực tiếp thông qua Fed, đồng thời nó có thể thúc đẩy cho vay ngang hàng.
Đối với chính phủ, đồng USD kỹ thuật số cho phép các chính phủ có nhiều quyền lực giám sát những hành vi chi tiêu, tiêu dùng tài chính của mọi người. Tại bất kỳ thời điểm nào, chính phủ sẽ biết người dân tiêu tiền và giữ tiền tiết kiệm ở đâu, như thế nào và vào lúc nào. Điều đó sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ việc thu thuế và chấm dứt nền kinh tế ngầm.
Xuất khẩu LNG của Mỹ lên mức cao kỷ lục
Theo công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong tháng trước đã tăng gần 16% lên mức cao kỷ lục khoảng 7,43 triệu tấn, với các chuyến hàng đến châu Âu tiếp tục tăng.
Nhu cầu mua LNG của Mỹ ngày càng tăng khi các nước châu Âu cố gắng cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga đồng thời tìm cách củng cố lượng tồn kho thấp. Châu Âu là khu vực nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ tháng thứ tư liên tiếp, chiếm khoảng 65% lượng xuất khẩu của Mỹ, trong khi châu Á chiếm khoảng 12% và Mỹ Latinh chiếm 3%.
Reid I’Anson, nhà phân tích hàng hóa tại đơn vị cung cấp dữ liệu Kpler, có trụ sở tại Mỹ nhận định Mỹ tiếp tục tập trung vào khách hàng châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đã tăng cao hơn kể từ tháng Mười Một, song châu Âu vẫn cần nhiều nhập khẩu nhiều hơn nữa khi lượng tồn kho khí đốt của khối này chỉ còn khoảng 25%, thấp hơn mức trung bình 5 năm là khoảng 34% cho thời điểm này trong năm.
Giá LNG toàn cầu vẫn ở mức cao trong tháng Ba. Theo Refinitiv, trong tuần này, giá LNG tiêu chuẩn của châu Âu được giao dịch ở mức 39,22 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), so với mức 28,61 USD/mmBtu trong cùng tuần vào tháng Hai.
Hơn 30 nước giải phóng các kho dự trữ dầu quốc gia
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, hơn 30 nước đã tham gia cùng Mỹ trong việc giải phóng các kho dự trữ dầu quốc gia nhằm nỗ lực bình ổn thị trường năng lượng toàn cầu do hệ lụy từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Biden ngày 31/3 đã thông báo số lượng thùng dầu được xuất từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, cam kết cung cấp 1 triệu thùng dầu 1 ngày trong vòng 6 tháng. Đến nay, biện pháp táo bạo này đã được triển khai nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ toàn cầu đang quá nóng và xoa dịu những đợt lạm phát nghiêm trọng gây tổn hại đến nền kinh kinh tế Mỹ.
Nhóm OPEC+ gồm 32 quốc gia sản xuất dầu mỏ do Saudi Arabia dẫn đầu đã thông qua biện pháp tăng sản lượng thêm 432.000 thùng dầu/ngày trong tháng 3. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh xuất kho 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ vào tháng 11/2021 và 30 triệu thùng trong tháng 3/2022. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng đã triển khai biện pháp giải phóng các kho dữ trự dầu chiến lược để góp phần bình ổn thị trường.
Thị trường lao động Mỹ khởi sắc có thể thúc đẩy Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh
Tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ tiếp tục gia tăng trong tháng Ba, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 3,6% và tiền lương tăng trở lại. Những thông tin này có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) trong cuộc họp diễn ra vào tháng Năm.
Báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 1/4 cho thấy việc làm trong các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, hoạt động tài chính cũng như lĩnh vực bán lẻ hiện đã cao hơn mức trước đại dịch COVID-19. Kết quả này càng cho thấy động lực vững chắc trong nền kinh tế Mỹ mặc dù phải đối mặt với những trở ngại do lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, cũng như cuộc xung đột ở Ukraine (U-crai-na), vốn đang làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng áp lực lên giá cả hàng hóa.
Nhu cầu tuyển dụng đang tăng mạnh bởi các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ trên toàn quốc. Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine có tác động đến thị trường lao động hay không.