Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 20/6/2022
Thị trường chứng khoán duy trì mức giảm

Xem thêm: Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 18/6/2022
Tuần vừa qua, tác động của việc FED tăng lãi suất đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần 17/6 trái chiều, với chỉ số Dow Jones đảo ngược đà tăng và đi xuống vào cuối phiên.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống mức 29.888,78 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 3.674,84 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 10.798,35 điểm. Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 5,8%, trong khi chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cùng giảm 4,8%.
Theo Dow Jones Market, cả ba chỉ số đều mất điểm tuần thứ ba liên tiếp, với chỉ số S&P 500 có mức giảm tính theo phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, còn chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
Người phụ trách chiến lược thị trường tại công ty bảo hiểm tương hỗ CUNA Mutual Group (Mỹ) Scott Knapp cho rằng, lạm phát cần được kiểm soát. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp vừa qua có thể khiến nền kinh tế giảm tốc đáng kể và các thị trường đang có sự điều chỉnh.
Trong phát biểu ngày 17/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đang tập trung vào nhiệm vụ đưa lãi suất về mức mục tiêu 2%.
Áp lực tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có thể duy trì đà giảm của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Giá dầu đi xuống
Quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của FED đã tác động đến cả giá dầu. Khép lại tuần vừa qua, giá dầu đã lần đầu tiên giảm trong nhiều tuần. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, còn giá dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần.
Thông thường, giá dầu diễn biến ngược chiều với đồng USD, bởi đồng bạc xanh mạnh lên khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá xăng và dầu diesel kỳ hạn tại Mỹ cũng giảm 4% do lo ngại giá xăng tăng vọt sẽ làm giảm nhu cầu của người dân.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã đưa vào hoạt động thêm 4 giàn khoan dầu, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden “kêu ca” các nhà sản xuất kiếm lợi từ giá cao thay vì sản xuất nhiều hơn để thúc đẩy sản lượng.
Trong khi đó, Nga dự báo kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này sẽ tăng trong năm 2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và cấm vận của châu Âu.
Xu thế giá dầu trong tuần mới sẽ duy trì đà giảm khi thế giới lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục phong toả khiến nhu cầu đi lại giảm.
Giá vàng có xu hướng đi lên
Vàng chạm đáy một tháng ở mức 1.824,63 USD/ounce vào cuối tuần trước, sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ khi những lo ngại về kinh tế toàn cầu. Xu hướng biến động manh kéo dài sang đầu tuần này.
Ngân hàng J.P. Morgan (Mỹ) cho biết, việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi vàng càng làm nổi bật “cuộc chiến giằng co” hiện tại giữa các yếu tố xác định giá của kim loại quý này.
Trong khi đó, Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Trong ngắn hạn, đây vẫn là một môi trường khó khăn đối với vàng, nhưng cuối cùng kim loại quý này sẽ tiếp tục vai trò trú ẩn an toàn, chỉ cần đồng USD ngừng tăng mạnh”.

Trong hai phiên giao dịch liền sau đó (15-16/6), giá vàng đảo chiều tăng nhẹ, sau khi Fed thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm giữa bối cảnh lạm phát tăng đột biến vào tháng Năm. Ngoài ra, giá vàng nhận được thêm sự hỗ trợ trong phiên 15/6 khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 0,3% trong tháng Năm, trái ngược với mức tăng 0,7% (sau điều chỉnh) của tháng Tư trước đó.
Gần đây vàng di chuyển song song với thị trường chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, trong phiên 16/6, giá vàng đã tăng bất chấp hoạt động bán tháo mạnh trên Phố Wall do lo ngại về suy thoái. Lạm phát và những bất ổn kinh tế thường hỗ trợ cho vàng, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trong khi đó, nhu cầu đối với vàng vật chất vẫn trầm lắng ở Trung Quốc- nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới – do các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19.
Bitcoin hướng tới ngưỡng tiêu cực nhất 14.000 USD
Bitcoin hiện đã mất hơn 70% so với mức cao nhất mọi thời đại của nó nhưng phe bò đang đấu tranh để ngăn chặn đà giảm.
Jurrien Timmer, giám đốc vĩ mô toàn cầu của Fidelity, nhấn mạnh rằng Bitcoin có vẻ “rẻ hơn định giá thực của nó” khi xem xét tỷ lệ giá trên mạng, tương tự như tỷ lệ giá trên thu nhập được sử dụng trong thị trường cổ phiếu để định giá một cổ phiếu.
Bitcoin hiện đã mất hơn 70% so với mức cao nhất mọi thời đại của nó nhưng phe bò đang đấu tranh để ngăn chặn đà giảm. Phe bò đang cố gắng giữ Bitcoin trên ngưỡng 20.000 USD nhưng họ đang phải đối mặt với mức kháng cự mạnh ở 23.362 USD. Điều này cho thấy rằng phe gấu vẫn chưa bỏ cuộc và tiếp tục bán ra trên mỗi đợt phục hồi.
Biểu đồ BTC/USDT trên khung thời gian hàng ngày. Nguồn: TradingView
Nói về kịch bản tồi tệ nhất có khả năng xảy ra, nhà phân tích nổi tiếng Venturefounder tin rằng điểm dừng cuối cùng cho Bitcoin có thể là ngưỡng 14.000 USD – tương đương mức giảm 80% so với mức cao nhất mọi thời đại 69.000 USD hiện tại.