Việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, “cha đẻ” của chính sách Abenomics, qua đời có thể không đặt ra thách thức ngay lập tức cho chính sách này nhưng cho phép Thủ tướng Fumio Kishida giảm dần các khoản chi của chính phủ và rút dần các biện pháp kích thích mà ông Abe thực hiện.

Chính sách Abenomics có thể không đối mặt với thách thức ngay lập tức
Những người thân cận với ông Kishida cho biết Thủ tướng và các trợ lý muốn tiến tới bình thường hóa chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhà kinh tế Koya Miyamae tại SMBC Nikko Securities cho rằng chính sách Abenomics hay chính sách tiền tệ siêu lỏng không thể đảo ngược nhanh chóng. Tuy nhiên, về lâu dài, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) phải cân nhắc điều chỉnh chính sách tiền tệ do các vấn đề như đồng yen yếu.
Xem thêm: Boeing có thể hủy bỏ chiếc 737 MAX 10 – thêm một bất ổn cho cổ phiếu
Nhà kinh tế trưởng tại Nhật Bản của UBS Sumi Trust Wealth Management, Daiju Aoki, cho rằng ông Abe đứng đầu nhóm nghị sỹ trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản ủng hộ việc chi tiêu lớn. Do đó sự vắng mặt của ông có ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân quyền lực của đảng này.
Chính sách kích thích mà BoJ, dưới sự điều hành của Thống đốc Haruhiko Kuroda, thực hiện đã góp phần đảo ngược tình trạng đồng yen liên tục tăng giá vốn gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu, đẩy giá cổ phiếu lên và cải thiện lòng tin kinh doanh.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng vẫn thiếu một chiến lược tăng trưởng và những cải cách đáng tin cậy để nền kinh tế tăng tốc bền vững.
Cho đến nay, ông Kishida vẫn tiếp tục thực hiện chính sách Abenomics, triển khai các gói chi tiêu lớn nhằm hạn chế tác động của đại dịch đến nền kinh tế và gần đây là giảm bớt ảnh hưởng của việc giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng mạnh.
Ông cũng phê chuẩn chính sách lãi suất siêu thấp của BoJ, dù các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất, khiến đồng yen xuống các mức thấp kỷ lục trong hai thập niên.
Mỹ hoàn tất 10 cuộc điều tra về việc hoàn tiền của các hãng hàng không
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg mới đây cho biết chính phủ nước này đã hoàn tất 10 cuộc điều tra hàng không về việc hành khách bị hoãn chuyến bay hoặc không được hoàn tiền trong đại dịch COVID-19 và sẽ có hành động can thiệp trong những tuần tới.
Tháng 6/2021, USDOT cho biết có thể áp án phạt lên tới 25,5 triệu USD đối với Air Canada do hãng vận chuyển không này không hoàn tiền kịp thời, cáo buộc hãng hàng không vi phạm luật pháp Mỹ trong hơn một năm.
USDOT cho biết có kế hoạch ban hành các quy định về hoàn tiền cho những người tiêu dùng không thể đi du lịch do chính sách hạn chế của chính phủ. Các quy định hiện tại không thể giải quyết việc hoàn tiền trong các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như các hạn chế đi lại do chính phủ áp đặt.

Lý do Samsung Electronics duy trì đà tăng trưởng kỷ lục trong 4 quý liên tiếp
Hãng điện tử Samsung Electronics (Hàn Quốc) vừa công bố số liệu cho thấy mặc dù đã sụt giảm nhẹ so với ba tháng trước đó, nhưng doanh thu của hãng trong quý II/2022 vẫn ở mức cao thứ hai trong lịch sử.
Cụ thể, kết quả doanh thu sơ bộ trong giai đoạn tháng 4-6/2022 của Samsung Electronics đã giảm 1% xuống 77.000 tỷ won (59,2 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động giảm 0,85% xuống 14.000 tỷ won so với quý đầu tiên. Trong khi đó, doanh số bán hàng của doanh nghiệp này đã tăng 20,94% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 11,38%.
Kỷ lục doanh thu cao nhất của Samsung Electronics cho đến thời điểm hiện tại là 77.780 tỷ won (59,83 tỷ USD) – kết quả đã đạt được trong quý I/2022.
Lượng xuất xưởng điện thoại thông minh của Samsung Electronics ước đạt 61 triệu chiếc trong quý II vừa qua, giảm hơn 10 triệu chiếc so với con số 73 triệu chiếc trong quý I. Các lô hàng TV ước tính đã giảm 28% so với quý trước xuống còn 9 triệu chiếc.Việc hiệu ứng tỷ giá hối đoái của đồng won so với đồng USD tăng cao dường như cũng đóng một vai trò quan trọng trong kết quả hoạt động tích cực của Samsung Electronics trong quý II, bất chấp các yếu tố bất lợi ở cả trong nước và quốc tế.
Sản xuất lúa gạo ở châu Á “gặp khó” do giá phân bón tăng
Hoạt động sản xuất lúa gạo đang bị đe dọa ở nhiều khu vực châu Á do chi phí phân bón tăng hơn vào thời điểm nhu cầu đối với mặt hàng này cũng bùng nổ, gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh lương thực và nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo một đơn vị thuộc ngân hàng hàng đầu Thái Lan Kasikornbank Pcl, năng suất lúa có thể giảm ở Thái Lan – quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới – do giá các loại phân bón tăng cao. Trong khi đó, ở Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo số 2 thế giới, lại đối mặt với nguy cơ sản lượng thu hoạch lúa thấp hơn, làm tăng nhu cầu thu mua mặt hàng này ở nước ngoài. Trung Quốc đang lo lắng về tác động của sâu bệnh đối với mùa màng, còn sản lượng lúa gạo của Ấn Độ phụ thuộc vào mùa mưa.
Hầu hết lúa gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định kinh tế trong khu vực này. Trở lại năm 2008, giá gạo đã tăng lên trên 1.000 USD/tấn, cao gấp đôi so với mức giá hiện nay, trong bối cảnh hoảng loạn về nguồn cung.