Để nghiên cứu chuyển động giá của một cặp tiền tệ, bạn cần một số cách nhìn để xem xét hành vi giá hiện tại và trong quá khứ của cặp tiền tệ đó.
Biểu đồ, hay cụ thể hơn, biểu đồ giá, là công cụ đầu tiên mà mọi trader sử dụng phân tích kỹ thuật cần phải học.
Biểu đồ chỉ đơn giản là sự trình bày trực quan các mức giá của một cặp tiền tệ trong một khoảng thời gian nhất định.

Biểu đồ mô tả hoạt động giao dịch diễn ra trong một khoảng thời gian xác định (cho dù đó là 10 phút, bốn giờ, một ngày hay một tuần).
Bất kỳ tài sản tài chính nào có dữ liệu về giá trong một khoảng thời gian đều có thể được sử dụng để vẽ biểu đồ và phân tích.
Các thay đổi của giá là một loạt các sự kiện chủ yếu là ngẫu nhiên, vì vậy, công việc của chúng ta với tư cách trader là quản lý rủi ro và đánh giá xác suất và đó là nơi việc lập biểu đồ có thể trở nên hữu ích.
Biểu đồ là một công cụ thân thiện với người dùng. Chúng ta có thể hiểu cách biến động giá được mô tả theo dòng thời gian một cách dễ dàng vì nó vô cùng trực quan.
Với biểu đồ, bạn sẽ dễ dàng xác định và phân tích các chuyển động, mô hình và xu hướng của một cặp tiền tệ.
Trên biểu đồ, trục y (trục tung) thể hiện thang đo giá và trục x (trục hoành) thể hiện thang đo thời gian.
Giá được vẽ từ trái sang phải của trục x.
Giá gần nhất được vẽ xa nhất ở bên phải.

Xem thêm: Cách sử dụng biểu đồ nến để phân tích xu hướng forex
Ngày trước, các biểu đồ được vẽ bằng TAY!
Thật may mắn cho chúng ta, Bill Gates và Steve Jobs đã ra đời và mang máy tính tiếp cận đến đại chúng. Vì vậy, các biểu đồ giờ đây đều được vẽ một cách kỳ diệu bằng phần mềm.
Biểu đồ giá thể hiện điều gì?
Biểu đồ giá mô tả những thay đổi trong cung và cầu.
Biểu đồ tổng hợp mọi giao dịch mua và bán của một công cụ tài chính (trong trường hợp của chúng ta là các cặp tiền tệ) tại bất kỳ thời điểm nào.
Một biểu đồ sẽ tổng hợp tất cả các tin tức đã biết, cũng như kỳ vọng hiện tại của các trader về tin tức trong tương lai.
Khi tương lai đến và thực tế xảy ra khác với những kỳ vọng này, giá cả lại thay đổi.
Sau đó, “tin tức tương lai” trở thành “tin tức đã biết” và với thông tin mới này, các trader tiếp tục điều chỉnh kỳ vọng của họ đối với tin tức trong tương lai. Và chu kỳ được lặp lại.
Biểu đồ tổng hợp tất cả hoạt động từ hàng triệu người tham gia thị trường, cho dù họ là người thật hay giả.
Cho dù giao dịch xảy ra do hành động của một công ty xuất khẩu, do sự can thiệp của ngân hàng trung ương, do AI thực hiện giao dịch từ quỹ đầu cơ hay giao dịch tùy ý của các trader cá nhân nhỏ lẻ, biểu đồ kết hợp TẤT CẢ thông tin này lại với nhau ở định dạng trực quan để các trader kỹ thuật nghiên cứu và phân tích.
Các loại biểu đồ giá
Hãy cùng xem xét ba loại biểu đồ giá phổ biến nhất:
- Biểu đồ tuyến tính
- Biểu đồ dạng thanh
- Biểu đồ hình nến
Biểu đồ tuyến tính
Một biểu đồ tuyến tính đơn giản vẽ một đường thẳng từ giá đóng cửa này đến giá đóng cửa tiếp theo.
Khi xâu chuỗi các mức giá lại với nhau bằng những đường thẳng, chúng ta có thể thấy biến động giá tổng quát của một cặp tiền tệ trong một khoảng thời gian.

Đọc biểu đồ tuyến tính rất đơn giản. Tuy nhiên, biểu đồ tuyến tính có thể không cung cấp cho trader nhiều chi tiết về hành vi giá trong khoảng thời gian đó.
Tất cả những gì bạn biết là giá đóng cửa ở mức X vào cuối mỗi giai đoạn thời gian. Bạn không có manh mối về chuyện gì khác đã xảy ra.
Nhưng biểu đồ tuyến tính giúp trader nhìn thấy xu hướng dễ dàng hơn và so sánh trực quan giá đóng cửa từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.
Loại biểu đồ này thường được sử dụng để có được cái nhìn “toàn cảnh” về các chuyển động giá.
Biểu đồ tuyến tính cũng là biểu đồ hiển thị xu hướng giá tốt nhất: đó chính là độ dốc của đường biểu đồ.
Một số trader xem mức đóng cửa quan trọng hơn mức mở cửa dù cao hay thấp hơn. Bằng cách chỉ chú ý đến giá đóng cửa, trader sẽ bỏ qua biến động giá trong phiên giao dịch.
Dưới đây là một ví dụ về biểu đồ tuyến tính cho cặp EUR/USD:

Biểu đồ dạng thanh
Biểu đồ dạng thanh phức tạp hơn một chút. Nó hiển thị giá mở cửa và đóng cửa, cũng như các mức đỉnh và đáy của cặp tiền tệ.
Biểu đồ dạng thanh giúp trader thấy được phạm vi dao động của giá trong từng giai đoạn.

Các thanh có thể tăng hoặc giảm kích thước từ thanh này sang thanh kế tiếp hoặc xuyên suốt một dãy thanh.
Điểm thấp nhất của thanh giá xác định giá giao dịch thấp nhất trong khoảng thời gian mô tả của thanh, trong khi điểm cao nhất của thanh cho biết giá cao nhất được trả trong khoảng thời gian đó.
Bản thân thanh dọc cho biết toàn bộ phạm vi giao dịch của cặp tiền tệ.
Khi biến động giá trở nên bất ổn hơn, các thanh sẽ lớn hơn. Khi biến động giá trở nên trầm lắng hơn, các thanh sẽ nhỏ hơn.
Biến động của kích thước thanh là do cách cấu tạo của mỗi thanh. Chiều dài của thanh phản ánh phạm vi giữa mức đỉnh và mức đáy của cặp tiền tệ trong giai đoạn mô tả bởi thanh giá.
Thanh giá cũng ghi lại giá mở cửa và đóng cửa của giai đoạn đó với các đường ngang đính kèm.
Đường ngang ở bên trái của thanh là giá mở cửa và đường ngang ở bên phải là giá đóng cửa.
Dưới đây là một ví dụ về biểu đồ thanh cho cặp EUR/USD:

Cần lưu ý rằng trong ngôn ngữ của trader, bạn sẽ thấy từ “thanh” là để chỉ đến một điểm dữ liệu duy nhất trên biểu đồ.
Một thanh chỉ đơn giản là một đoạn thời gian, cho dù đó là một ngày, một tuần hay một giờ.
Khi bạn thấy từ ‘thanh’ xuất hiện trong phần sau của bài viết, hãy nhớ phải hiểu từ ‘thanh’ đó xuất hiện trong khung thời gian tham khảo nào.
Biểu đồ thanh còn được gọi là biểu đồ “OHLC” vì chúng biểu thị mức giá mở cửa (Open), đỉnh (High), đáy (Low) và đóng cửa (Close) của một cặp tiền cụ thể.
Khác biệt lớn nhất giữa biểu đồ tuyến tính và biểu đồ OHLC là biểu đồ OHLC có thể hiển thị biến động của giá.
Dưới đây là một ví dụ khác của một thanh giá:

- Mở cửa: Đường ngang nhỏ bên trái
- Đỉnh: mức trên cùng của đường thẳng đứng
- Đáy: mức dưới cùng của đường thẳng đứng
- Đóng: Đường ngang nhỏ bên
Biểu đồ hình nến
Biểu đồ hình nến là một biến thể của biểu đồ dạng thanh.
Biểu đồ hình nến hiển thị thông tin giá giống như biểu đồ dạng thanh nhưng ở định dạng đồ họa đẹp hơn.
Nhiều trader thích biểu đồ này vì nó không chỉ đẹp hơn mà còn dễ đọc hơn.

Thanh nến vẫn cho biết phạm vi từ đỉnh đến đáy bằng một đường thẳng đứng.
Tuy nhiên, trong biểu đồ hình nến, khối lớn hơn (hoặc phần thân) ở giữa cho biết phạm vi giữa giá mở cửa và giá đóng cửa.
Thanh nến giúp hình dung giá tăng hay giảm bằng cách hiển thị “phần thân” bằng các màu sắc khác nhau.
Theo truyền thống, nếu khối ở giữa được tô màu, thì cặp tiền tệ đã đóng cửa THẤP HƠN so với mức mở cửa.
Trong ví dụ sau, “màu tô” là màu đen. Đối với các khối “được tô màu”, phần trên cùng của khối là giá mở cửa và phần dưới cùng của khối là giá đóng cửa.
Nếu giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, thì khối ở giữa sẽ có màu “trắng” hoặc không được tô màu.

Hiện nay, chúng ta ít khi nào sử dụng biểu đồ nến hai màu đen trắng truyền thống. Chúng trông không hấp dẫn một chút nào.
Và vì chúng ta dành rất nhiều thời gian để xem biểu đồ nên chúng ta cảm thấy xem biểu đồ có màu sẽ dễ dàng cho chúng ta hơn.
Một chiếc tivi màu tốt hơn nhiều so với một chiếc tivi đen trắng, vậy tại sao chúng ta không thể hiện một chút màu sắc trên những biểu đồ hình nến đó?
Chúng ta chỉ đơn giản là tô màu xanh lục thay cho màu trắng và tô màu đỏ thay cho màu đen. Điều này có nghĩa là nếu giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, thì thân nến sẽ có màu xanh lục. Ngược lại, nếu giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa thì thân nến sẽ có màu đỏ.
Sau khi làm quen với biểu đồ, bạn sẽ thấy cách sử dụng nến xanh và đỏ sẽ cho phép bạn “nhìn” mọi thứ trên biểu đồ nhanh hơn nhiều, chẳng hạn như xu hướng tăng/giảm và các điểm đảo chiều có thể xảy ra.
Hiện tại, bạn chỉ cần nhớ rằng trên biểu đồ ngoại hối, chúng ta sử dụng biểu đồ nến màu đỏ và xanh lá cây thay vì màu đen và trắng.

Dưới đây là một ví dụ về biểu đồ hình nến cho cặp EUR/USD. Nó rất đẹp phải không?

Mục đích của biểu đồ hình nến là để phục vụ cho việc trực quan hóa dữ liệu vì thông tin hiển thị giống hệt như thông tin trên biểu đồ thanh OHLC.
Các ưu điểm của biểu đồ hình nến là:
- Thanh nến dễ diễn giải và là điểm bắt đầu tốt cho người mới tìm hiểu về phân tích biểu đồ.
- Biểu đồ nến rất dễ sử dụng! Đôi mắt của bạn thích ứng gần như ngay lập tức với thông tin trong ký hiệu của thanh. Thêm vào đó, nghiên cứu cho thấy rằng hình ảnh giúp ích cho việc nghiên cứu, vì vậy nó cũng có thể giúp ích cho việc giao dịch!
- Biểu đồ hình nến và các xu hướng hình nến có những cái tên thú vị như “sao băng”, giúp bạn ghi nhớ ý nghĩa của mô hình.
- Biểu đồ hình nến rất hữu dụng trong việc xác định các điểm đảo chiều của thị trường – khi xu hướng đảo ngược từ tăng sang giảm hoặc từ giảm sang tăng.
Có nhiều loại biểu đồ khác nhau và không loại này thực sự tốt hơn loại nào.
Các biểu đồ có thể trình bày cùng một dữ liệu nhưng cách dữ liệu được trình bày và diễn giải sẽ khác nhau.
Mỗi biểu đồ sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Bạn có thể chọn bất kỳ loại nào hoặc sử dụng nhiều loại biểu đồ để phân tích kỹ thuật. Tất cả phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn.
Bây giờ bạn đã biết lý do tại sao biểu đồ nến lại hấp dẫn đến như vậy. Đã đến lúc thông báo cho bạn biết rằng chúng ta sẽ sử dụng biểu đồ hình nến cho hầu hết các biểu đồ ngoại hối, nếu không phải là tất cả.
Tổng kết
Có một số loại biểu đồ giá khác nhau mà các trader có thể sử dụng để theo dõi thị trường ngoại hối.
Giữ mọi thứ đơn giản khi bạn bắt đầu đọc biểu đồ giá.
Khi bạn tìm thấy sở thích biểu đồ của mình, hãy tìm sự cân bằng thích hợp để có đủ thông tin trên biểu đồ nhằm đưa ra các quyết định giao dịch tốt, nhưng không quá nhiều thông tin đến nỗi não của bạn bị tê liệt và không thể đưa ra BẤT KỲ quyết định nào.
Mỗi trader sẽ có một quá trình khác nhau để tìm kiếm sự cân bằng phù hợp. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải bắt đầu với những điều cơ bản trước khi bắt đầu sử dụng các chỉ báo kỹ thuật.
Huân Hà – Theo babypips.com