Một trong những thuật ngữ này đặc biệt quan trọng để giúp bạn không bị mất nhiều tiền trong lĩnh vực này.
Năm thuật ngữ cần biết trước khi mua NFT đầu tiên
Những điểm chính
- Các nhà sáng tạo đưa sản phẩm kỹ thuật số của họ lên blockchain và cho phép người khác mua tác phẩm của họ.
- Nhiều người mua NFT nhằm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.
- Tuy nhiên, mọi thứ có thể nhanh chóng thất bại và dự án Balloonsville NFT đã chứng minh cho điều này.
Mức độ phổ biến của các token không thể thay thế (viết tắt là NFT, tên đầy đủ là non-fungible token) đang ngày càng tăng cao. Theo báo cáo của Reuters, dữ liệu của DappRadar cho thấy doanh thu của NFT đạt 25 tỷ đô la trong năm 2021. Đây là mức tăng đáng kinh ngạc – tăng 260 lần so với năm trước đó từ mức 94,9 triệu đô la trong năm 2020.
Với một số sản phẩm đã được bán với giá hàng triệu đô la, NFT có thể hiểu là xa xỉ đối với một số người. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu hành trình NFT của mình, đây là năm thuật ngữ mà bạn sẽ muốn hiểu.

Nguồn ảnh: Getty Images.
Xem thêm: Mười cách để tránh mất tiền trên thị trường Forex
NFT là gì?
Biết được tên đầy đủ của thuật ngũ viết tắt này vẫn chưa đủ để bạn nắm được đây là gì mà bạn phải hiểu ý nghĩa của chúng. “Fungible” có nghĩa là thứ có thể được thay thế bằng một bản sao chính xác. Với “non-fungible” tức không thể thay thế, mỗi NFT bắt buộc phải là duy nhất. Ngược lại, tiền điện tử là có thể thay thế được. Ví dụ, các đồng Bitcoin đều giống nhau.
Bạn có thể đã thấy rất nhiều NFT là hình ảnh và đặc biệt phổ biến là hình các loài linh trưởng. Nhưng về mặt kỹ thuật, NFT không phải là hình ảnh, âm nhạc, các thành phần trong trò chơi điện tử hoặc bất cứ thứ gì tương tự. Đúng hơn, NFT giống như các bản chứng nhận (biên nhận) được liên kết với bất kỳ sản phẩm kỹ thuật số nào.
Do đó, khi bạn mua NFT, bạn đang mua dữ liệu blockchain. Ví dụ, một cá nhân sở hữu một NFT. Anh ta đã sao chép (phần có thể thay thế) bức ảnh được liên kết và có nó trên cả điện thoại và máy tính của mình. Nhưng sẽ chỉ có duy nhất một bản (là phần không thể thay thế) “chứng nhận tính xác thực” và nó nằm trong ví tiền điện tử mà anh ấy kiểm soát.
“Mint” có nghĩa là gì?
Quyền sở hữu các NFT có thể xác minh được vì chúng được gắn với các blockchain. Ethereum và Solana là hai blockchain phổ biến nhất cho các NFT. Song các nhà sáng tạo không sử dụng blockchain để tạo các mặt hàng kỹ thuật số bởi đó không phải là những gì blockchain làm. Đúng hơn, các sản phẩm được tạo ở nơi khác và sau đó được tải lên. Đây là lúc quá trình “mint” (tạm dịch là đúc) bắt đầu.
Khi bạn tán ngẫu về các mẩu chuyện phiếm xung quanh NFT, bạn sẽ nghe thấy mọi người sử dụng thuật ngữ này theo những cách khác nhau. Một số người nói rằng các nhà sáng tạo “mint” một NFT khi họ tải nó lên blockchain. Tuy nhiên, bạn cũng sẽ nghe thấy những người mua NFT nói rằng ai đó “mint” một NFT tức là người ấy là người mua đầu tiên.
Thông thường, nhà sáng tạo không chỉ tạo một NFT; đúng hơn, họ tạo ra các bộ sưu tập. Ví dụ: bộ sưu tập CryptoPunk có tới 10.000 NFT trong đó.
Khi các nhà sáng tạo thực hiện xong quá trình minting, thường có một sự kiện được công bố rất rộng rãi. Tại đó, NFT sẽ sẵn sàng để bán ra trên launchpad (bệ phóng) của một sàn giao dịch tại một thời điểm và ở một mức giá cụ thể. Sự kiện này đôi khi còn được gọi là “sự kiện mint”.
Tại sao mọi người lại “flip” NFT?
Giả sử bạn muốn mua một NFT từ bộ sưu tập 10.000 NFT vào ngày nó ra mắt. Như đã nói, thời gian, địa điểm, giá cả đều được công khai. Bạn sẽ kết nối ví tiền điện tử của mình trước đó. Và ngay khi thời điểm đến, bạn sẽ nhấp vào nút “mua” và hy vọng nó không bị bán hết trước khi giao dịch của bạn được xử lý. Một số bộ sưu tập NFT thậm chí bán hết chỉ trong vài giây.
Nhưng vấn đề là: Bạn thực sự không biết bạn đang mua NFT nào từ bộ sưu tập. Nó là ngẫu nhiên. Có thể bạn sẽ nhận được một trong những NFT bạn muốn, nhưng có thể không.
Sau khi ra mắt, NFT có thể được giao dịch trên các thị trường thứ cấp như OpenSea hoặc Magic Eden. Nếu bạn sở hữu một NFT, bạn có thể niêm yết nó trên một trong những thị trường thứ cấp này với mức giá mà bạn lựa chọn.
Nhiều người nhanh chóng bán bớt NFT của họ. Động thái này được gọi là “flip”. Đây có thể là một chiến lược hiệu quả để kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Ví dụ: nếu bộ sưu tập được bán hết trong vài giây, nhiều người có thể đã bỏ lỡ và sẵn lòng trả giá cao hơn giá “mint” trên thị trường thứ cấp.
Nếu hoạt động “flip” có vẻ hấp dẫn với bạn, hãy nhớ rằng các blockchain đều có phí giao dịch (được gọi là phí gas). Những thứ này có thể nhanh chóng ăn mòn lợi nhuận tiềm năng. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã cân nhắc đến yếu tố này.
Tại sao giá sàn (floor price) của NFT lại quan trọng?
Giá sàn của bộ sưu tập NFT là giá của NFT rẻ nhất trong bộ sưu tập đang được bán. Ví dụ: CryptoPunk rẻ nhất tính đến hiện tại được niêm yết với giá gần 67 Ether tương đương hơn 200.000 đô la (Ethe là token gốc của blockchain Ethereum).
Nhiều người đam mê NFT không định mua và nắm giữ lâu dài; thay vào đó, họ hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng bằng cách mua NFT từ các bộ sưu tập mới và sau đó bán đi khi chúng trở nên nổi tiếng.
Một cách để đánh giá mức độ phổ biến là theo dõi giá sàn. Giá sàn tăng đều đặn cho thấy nhu cầu đang tăng. Ngược lại, giá sàn giảm dần đều có thể tạo ra hiệu ứng domino đối với người bán tức là mỗi lần bán lại, giá bán mới lại rẻ hơn một chút so giá của người bán trước trong sự điên cuồng muốn thoát khỏi vị thế.
Cẩn trọng với hành vi “rug pull”
Không phải tất cả người mua NFT đều có mục đích kiếm tiền nhanh chóng. Nhiều bộ sưu tập NFT đi kèm với một lộ trình phát triển tức là người tạo ra có tầm nhìn dài hạn về cách lợi nhuận sẽ được sử dụng để xây dựng những thứ khác. Lộ trình này có thể bao gồm nhiều bộ sưu tập NFT, trò chơi điện tử hoặc dự án trong metaverse. Một số người có ý định giữ NFT của họ để có thể tham gia vào dự án đang triển khai.
Thật không may lại có một số kẻ xấu trong không gian NFT. Vào ngày 6 tháng 2, một dự án NFT tên là Balloonsville đã thừa nhận trên phương tiện truyền thông xã hội rằng đây là một dự án “rug pull”. Tài khoản này đã đăng câu sau trước khi biến mất “Tất cả các bạn thật nhẹ dạ cả tin vào bất cứ điều gì ngày nay”.
Theo báo cáo, Balloonsville đã kiếm được khoảng 2 triệu đô la từ việc mint 5.000 NFT. Nhiều người mua đã bám theo lộ trình của dự án đến tận thời điểm đó. Tuy nhiên, một “rug pull” có nghĩa là (những) người tạo ra dự án đã lấy tiền rồi cao chạy xa bay và họ thực sự sẽ không làm những gì họ đã nói. Đáng buồn thay, điều này xảy ra quá thường xuyên và dễ dàng vì nhiều người tạo ra NFT vẫn ẩn danh.
Các sàn giao dịch và bệ phóng đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách cải thiện quy trình xác minh. Và Magic Eden đang cố gắng khắc phục vấn đề của những người nắm giữ Balloonsville NFT.
Tuy nhiên, vấn đề “rug pull” làm nổi bật một điểm cần rút ra trong bài viết này: Không gian NFT có thể rất rủi ro và mang tính đầu cơ. Nếu bạn quyết định mua NFT đầu tiên của mình, hãy đảm bảo rằng bạn chỉ sử dụng một số tiền tương đối nhỏ – số tiền bạn có thể mất trong trường hợp xấu nhất. Đừng để bị dụ chi ra một số tiền cắt cổ vào NFT với hy vọng nhanh chóng trở nên giàu có. Như chúng ta đã thấy, mọi thứ rất dễ thất bại bằng nhiều cách.