Tuần vừa qua thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán. Giá vàng tăng trước những lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ – Trung. Trong khi giá dầu lao dốc trước nỗi lo suy thoái.
Thị trường chứng khoán tích cực
Tuần vừa rồi là một tuần tích cực đối với chứng khoán toàn cầu. Liên tiếp các báo cáo kinh doanh vượt ngoài kỳ vọng đã tạo động lực khiến các chỉ số đi lên.
Khép lại phiên cuối tuần, chứng khoán châu Á chủ yếu tăng khi nhà đầu tư tập trung sự chú ý vào báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối cùng ngày.
Ngoài ra, việc giá dầu giảm xuống mức trước khi cuộc chiến tại Ukraine bùng phát đã làm dấy lên hy vọng lạm phát sẽ tăng chậm lại, kéo theo tốc độ điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa cao hơn sau đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường Phố Wall. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tiến 0,87% (tương đương 243,67 điểm) lên 28.175,87 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ ba liên tiếp do khối ngoại tiếp tục mua vào. Chỉ số Kospi tại Seoul tiến 0,72% (17,69 điểm) và đóng cửa ở mức 2.490,80 điểm.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều tăng nhưng chứng khoán Hong Kong kết thúc tuần với mức tăng khá khiêm tốn do những lo ngại về các động thái của Trung Quốc liên quan tới Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm bớt. Phiên này, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong chỉ tăng 0,14% (27,90 điểm) lên 20.201,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng tới 1,19% (37,99 điểm) lên 3.227,03 điểm.
Trong khi các thị trường trải qua một tuần hoạt động nhộn nhịp, giới giao dịch vẫn còn lo lắng về một loạt yếu tố gồm xung đột ở Đông Âu, các động thái gần đây của Trung Quốc liên quan tới tình hình Đài Loan và khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.
Giá vàng ổn định
Giá vàng đã leo lên mức đỉnh của 1 tháng trong tuần qua. Giá vàng được thúc đẩy nhờ nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn của nhà đầu tư khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Vào lúc 14 giờ 01 phút giờ Việt Nam ngày 5/8, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.790,42 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 7. Giá vàng đã tăng 1,5% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ít thay đổi ở mức 1.805,80 USD.
Nhà phân tích cấp cao của OANDA, Jeffrey Halley, cho biết: “Vàng tiếp tục được hưởng lợi nhờ sự kết hợp của đồng USD yếu hơn do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và lo ngại suy thoái”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Đồng USD tăng cao hơn nhưng phải vật lộn để bù đắp khoản lỗ sau khi giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai tuần vào phiên thứ Năm.
Thị trường hiện đang tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng của Mỹ trong tháng 7 sẽ được công bố vào cuối ngày hôm nay. Các nhà kinh tế kỳ vọng con số việc làm sẽ tăng lên 250.000.
Xem thêm: Doanh thu Monex Group tăng mạnh trong Q1

Giá dầu lao dốc do lo ngại suy thoái
Trong tuần qua, giá dầu liên tục sụt giảm, thậm chí giảm xuống mức thấp nhất trước đại dịch. Nguyên nhân là bởi thị trường lo ngại về khả năng suy thoái sắp tới của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên khép lại phiên cuối tuần, giá dầu tăng tại châu Á, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai trong phiên trước, khi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung lấn át những lo ngại về sự giảm sút nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent tăng 55 xu Mỹ, hay 0,6%, lên 94,67 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 65 xu Mỹ, hay 0,8%, lên 89,19 USD/thùng.
Giá dầu chịu sức ép trong tuần này, khi thị trường lo ngại về tác động của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu, nhưng các dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung đã tạo động lực cho giá dầu.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho rằng việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng rất nhỏ cho thấy thị trường hạn chế về khả năng thích ứng trước sự thiếu hụt nguồn cung hơn nữa.
Trong tháng Chín, OPEC và các nước đối tác sẽ nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày. Đây là mức tăng ít nhất kể từ khi OPEC thực hiện hạn ngạch sản lượng từ năm 1982.
Những lo ngại về nguồn cung được cho là sẽ gia tăng khi mùa Đông đến, do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, với việc cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Hiện tại, dấu hiệu về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế đang hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Những lo ngại về suy thoái đã gia tăng sau cảnh báo của Ngân hàng trung ương Anh về tình trạng suy thoái kéo dài sau khi ngân hàng này tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995.