
Cùng với sự phát triển của công nghệ, tiền điện tử, từ xuất phát điểm là sự mò tò với các thuật toán phức tạp, nay đã trở thành một loại tài sản số tuy có nhiều biến động nhưng đang được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Sau nhiều năm đứng bên lề, các nhà quản lý Mỹ giờ đây đang bước vào cuộc chạy đua nhằm tìm cách giải quyết những rủi ro tiềm ẩn mà tiền ảo có thể gây ra cho người tiêu dùng và các thị trường tài chính.
Có thể nhận thấy, sự quan tâm của các nhà quản lý Mỹ chỉ bắt đầu tăng lên khi rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính đều vội vã tìm cách kiếm lợi từ việc đưa khối tài sản khổng lồ dưới dạng thức tiền điện tử vào hệ thống tài chính truyền thống, thông qua các dịch vụ gần giống ngân hàng như tài khoản trả lãi và cho vay.
Các nhà quản lý Mỹ gấp rút ra quy định siết chặt quản lý tiền điện tử
Giờ đây, Bộ Tài chính Mỹ cùng các cơ quan có liên quan đang khẩn trương thảo luận để đưa ra những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, trước hết là với một sản phẩm kỹ thuật số đang phát triển “nóng”: đồng stablecoin.
Được phát hành bởi nhiều công ty hiện không bị quản lý quá nghiêm ngặt bởi những quy định của nhà nước, Stablecoin giờ đây đang đóng vai trò là cầu nối giữa thị trường tiền điện tử với nền kinh tế truyền thống.
Giá trị của một đồng stablecoin được “neo” với giá của đồng USD, vàng hoặc một số tài sản ổn định khác. Ý tưởng ở đây là giúp những người nắm giữ tiền điện tử – loại tài sản có giá biến động thường xuyên – dễ dàng thực hiện các giao dịch như mua hàng hóa, dịch vụ hoặc thu được lợi nhuận từ việc nắm giữ các đồng tiền điện tử.
Việc sử dụng stablecoin đang gia tăng nhanh chóng và các cơ quan quản lý ngày càng lo ngại rằng đồng tiền này không hề “ổn định” như cái tên của nó, và có thể dẫn tới những đợt tháo chạy của tiền khỏi các ngân hàng trong thời đại kỹ thuật số. Chỉ tính riêng trong năm nay, giá trị lưu hành trên thị trường của các stablecoin gắn liền với đồng USD như mã thông báo (token) Tether, USD Coin và Pax Dollar đã tăng từ 30 tỷ USD hồi tháng 1 lên khoảng 125 tỷ USD vào giữa tháng 9.
“Điều quan trọng là các cơ quan quản lý phải hành động nhanh chóng để sớm được ra một khuôn khổ pháp lý thích hợp,” bà Nellie Liang, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khẳng định.
Việc chính quyền tổng thống Biden tăng cường thúc đẩy các nỗ lực để kiểm soát đồng stablecoin được coi là lợi thế hàng đầu cho kế hoạch quản lý tiền kỹ thuật số của chính phủ. Đây là một chủ đề đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và có khả năng sẽ biến thành một cuộc tranh luận lớn trên đất Mỹ.
“Tôi đã thấy một cơn sốt vàng của những kẻ ngu ngốc vào thời điểm sắp xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008,” Michael Hsu, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ (OOC) cho hay. Tôi có cảm giác như chúng ta có thể đang ở một cuộc khủng hoảng khác với tiền điện tử.”
Vốn được biết đến như một phương tiện đầu cơ, song tiền điện tử giờ đây đang bắt đầu tạo ra những sự chuyển đổi trong ngành tài chính ngân hàng. Nó cũng là tâm điểm khuấy động các cuộc thảo luận về việc liệu các chính phủ có nên phát hành các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình để từ đó dần tăng cường và cuối cùng tiến tới việc thay thế các loại tiền truyền thống hay không.
Stablecoin hiện là động lực vững chắc cho các giao dịch tiền điện tử ngày càng tăng trên toàn cầu, đặc biệt là trong thời điểm tổng giá trị các mã thông báo (token) nổi bật như Bitcoin hiện lên tới khoảng 2 nghìn tỷ USD, tức là gần tương đương với toàn bộ lượng tiền USD đang lưu hành trong nền kinh tế Mỹ.

Xem thêm: XTB MENA hỗ trợ giao dịch với 19 CFD tiền điện tử
Động thái từ các nhà quản lý Mỹ đã dẫn tới một làn sóng vận động hành lang từ phía các nhà điều hành hoạt động trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Những những tuần gần đây, đã có nhiều cuộc gặp được tiến hành giữa các bên vận động hành lang với đại diện các cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng nhằm tìm cách định hình các quy tắc mới, dù phần lớn đều thừa nhận rằng việc ban hành một số quy định giám sát là điều không thể tránh khỏi.
Các nhà quản lý đang lo lắng về việc liệu các công ty phát hành stablecoin có đủ tài sản lưu động để bảo trợ cho các đồng tiền của mình hay không.
Ngoài tiền mặt và trái phiếu kho bạc ngắn hạn – những tài sản được coi là an toàn và dễ mua bán – các nhà phát hành, ví dụ như hai nhà phát hành đồng stablecoin USDT và USDC, cũng đang nắm giữ các loại tài sản dự phòng như nợ không đảm bảo của doanh nghiệp. Loại tài sản này có độ rủi ro cao và khó có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong thời kỳ bất ổn tài chính. Loại “thương phiếu” này gắn liền với các bộ phận quan trọng khác của hệ thống tài chính.
Ngoài ra, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cũng muốn đảm bảo rằng các công ty phát hành stablecoin phải có có năng lực kỹ thuật để xử lý các giao dịch gia tăng đột biến, từ đó không gây ra các phản ứng dây chuyền nếu có hiện tượng một lượng lớn khách hàng bán tiền kỹ thuật số để rút tiền về.
Liên quan tới yếu tố kỹ thuật, không ít vấn đề quả thực đã dần nảy sinh. Mới đây nhất, hôm 14/9, mạng blockchain Solana đã gặp sự cố “quá tải” khi lượng giao dịch stabecoin bùng nổ và khiến toàn bộ blockchain này ngừng hoạt động tới 17 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân mà Solana đưa ra là do độ tải tối đa của mạng lưới thấp hơn nhiều so với khối lượng giao dịch, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn khiến các nhà giao dịch không thể tiến hành hoạt động mua bán bình thường khi xảy ra sự việc.
Theo thông tin từ nhiều quan chức liên bang, bộ tài chính Mỹ đang cân nhắc tới việc sử dụng các quyền hạn mở rộng theo đạo luật Dodd-Frank – một đạo luật được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – để xem xét và đưa ra tuyên bố rằng đồng stablecoin “quan trọng về mặt hệ thống” và do đó buộc các loại stablecoin phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ liên bang.
“Các nhà quản lý thực sự bắt đầu quan tâm hơn tới tiền kỹ thuật số, khi rủi ro đối với xã hội ngày càng lớn,” Jeremy D. Allaire, giám đốc điều hành của Circle – công ty thanh toán và tiền tệ kỹ thuật số đã phát hành đồng USD Coin – cho biết. “Hiển nhiên là bạn sẽ thấy các cơ quan quản lý muốn đưa ra các cách để giải quyết những rủi ro đó.”
Từ đầu năm tới nay, đồng USD Coin đã tăng khoảng 750%, giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền này hiện vào khoảng 30 tỷ USD. Theo dự đoán của ông Allaire, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, quy mô vốn hóa của đồng tiền này sẽ đạt hơn 200 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Động thái đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ có thể thực hiện ngay trong mùa thu này là đưa ra một báo cáo khuyến nghị. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, các giám đốc điều hành trong lĩnh vực tài chính, các nhà vận động hành lang và các cơ quan quản lý đã phác thảo một vài vấn đề mà họ mong đợi sẽ được đề cập đến trong báo cáo khuyến nghị này. Nếu không có gì thay đổi, nó sẽ trở thành bản mẫu mà dựa vào đó, các quy định quản lý sẽ được soạn thảo ra trong năm tới.
Những quy định mới, như đã đề cập ở trên, sẽ bao gồm 2 điểm chính. Thứ nhất là yêu cầu các công ty phát hành stablecoin phải có đủ thanh khoản để đáp ứng hoạt động giao dịch. Thứ hai là buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải có hệ thống phần mềm xử lý giao dịch đủ mạnh để tránh hiện tượng tắc nghẽn, thậm chí “sập mạng” khi số lượng giao dịch bất ngờ tăng mạnh.
Ngoài ra, còn có nhiều lời đồn đoán rằng sẽ có những quy định liên quan tới quá trình tạo ra các đồng stablecoin mới, hệ thống bảo mật để bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư, cũng như các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang chuẩn bị áp dụng các quy tắc nhằm ngăn chặn việc sử dụng tiền điện tử vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và trốn thuế.
Thực tế, không phải đợi tới lúc này các nhà quản lý Mỹ mới có một số động thái để siết chặt việc quản lý với tiền kỹ thuật số.
Đồng stablecoin phổ biến nhất hiện nay là USDT, do công ty Tether có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) phát hành. Năm 2019, các nhà quản lý bang New York (Mỹ) đã mở một cuộc điều tra gian lận đối với Tether, và mãi tới năm nay, việc điều tra mới khép lại với thỏa thuận rằng Tether sẽ bị cấm hoạt động ở New York, đồng thời phải thường xuyên cập nhật thông tin về các loại tài sản dự trữ được sử dụng để hỗ trợ cho đồng stablecoin mà công ty này phát hành.
Lo ngại về các động thái siết chặt quy định quản lý tiền kỹ thuật số của chính phủ Mỹ, công ty thanh toán và tiền điện tử Circle mới đây cũng đã công bố kế hoạch tự nguyện chuyển các tài sản dự trữ của mình sang tài sản có tính thanh khoản cao hơn.
Những quy định mới sẽ tạo ra cả người thắng và kẻ thua, khi một số công ty có lợi thế hơn sẽ dễ dàng thích ứng hơn với các nguyên tắc mới, trong khi những công ty khác có thể buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh của mình để không bị bỏ lại phía sau.
Ví dụ, nhà phát hành stablecoin Paxos ủng hộ động thái cần có các quy định để kiểm soát stablecoin. Nhưng công ty này lại phản đối việc thành lập Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính – với các thành viên bao gồm Bộ trưởng Bộ tài chính, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng 13 chuyên gia và nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – để mở rộng quyền hạn giám sát của các nhà quản lý với đồng stablecoin, thông qua việc tuyên bố rằng hoạt động của stablecoin hoặc của các công ty phát hành stablecoin “quan trọng về mặt hệ thống”.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của Circle lại không phản đối ý tưởng này bởi không sớm thì muộn, sẽ tới lúc các stablecoin được hỗ trợ bằng đồng USD hay các loại tài sản khác thực sự trở nên “quan trọng về mặt hệ thống”.
Một lựa chọn khác sẽ là tạo ra một số loại điều lệ ngân hàng mới cho các tổ chức phát hành stablecoin nhằm giải quyết các mối quan ngại về vấn đề quản lý hiện nay.
Đỗ Hiền-Theo economictimes