Trong phiên giao dịch sáng 22/6, giá trị của đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua so với “đồng bạc xanh” của Mỹ khi tỷ giá giữa hai đồng tiền tăng vượt mức 136 yen/USD, chủ yếu là do những lo ngại về khả năng khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng.
Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 22/6/2022

Xem thêm: Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 21/6/2022
Đồng yen mất mốc 136 yen/USD, thấp nhất trong 24 năm
Vào lúc 9 giờ sáng 22/6, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền ở thị trường Tokyo đứng ở mức 136,30-33 yen/USD, tăng mạnh so với mức 135,22-23 yen/USD vào thời điểm đóng cửa của phiên giao dịch hôm qua. Trước đó, trên thị trường New York, tỷ giá giữa hai đồng tiền có lúc đã tăng lên 136,64-74 yen/USD, cao nhất trong 24 năm qua.
Không chỉ mất giá so với USD, đồng yen cũng mất giá so với đồng euro. Tỷ giá giữa hai đồng tiền vào lúc mở cửa trên thị trường Tokyo là 143,51-60 yen/euro, tăng mạnh so với mức 142,74-78 yen/euro vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm qua.
Facebook cải tiến thuật toán nhằm giúp người dùng tiếp cận đa dạng quảng cáo
Giới chức Mỹ ngày 21/6 thông báo Meta, công ty mẹ của Facebook, đã nhất trí thay đổi công nghệ nhắm mục tiêu quảng cáo, cũng như đồng ý chi trả 115.000 USD để giải quyết cáo buộc của Chính phủ Mỹ về việc Facebook phân biệt đối xử với các đối tượng xem quảng cáo.
Theo các điều khoản trong thỏa thuận, hiện vẫn cần được tòa án thông qua, Meta sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo quảng cáo kết hợp với nhân khẩu học để mọi đối tượng có thể tiếp cận quảng cáo, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay chủng tộc. Giới chức Meta cũng cam kết đưa ra phương pháp mới nhằm đảm bảo người dùng có thể xem được các nhà quảng cáo mà không bị phân biệt đối xử.
Trước đó, năm 2019, Bộ Phát triển nhà ở và đô thị Mỹ (HUD) đã cáo buộc Facebook “phân biệt đối xử bất hợp pháp dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, giới tính và khuyết tật”, thông qua việc hạn chế công chúng xem các quảng cáo liên quan đến nhà ở.
Dự kiến, vào cuối năm 2022, Meta sẽ ngừng cho phép quảng cáo được nhắm mục tiêu thông qua một số công cụ.
Bên cạnh đó, Meta cũng sẽ phải trả khoản phạt dân sự, trị giá 115.000 USD và cho phép bên thứ ba độc lập kiểm tra để đảm bảo Meta tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận./.
Indonesia khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn giá dầu ăn leo thang
Phát biểu tại trung tâm thương mại Klender, phía đông thành phố Jakarta, Bộ trưởng Bộ thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, hiện Indonesia đang triển khai chương trình “Dầu ăn cho Nhân dân” với mục tiêu ngăn chặn tình trạng giá dầu ăn tăng liên tục trong thời gian vừa qua. Giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người lao động, người nghèo và người thất nghiệp.
Theo ông Zulkifli Hasan, thông qua chương trình “Dầu ăn cho Nhân dân” giá cả hàng hóa ở Jakarta hiện nay đã ổn định theo mức giá bán lẻ cao nhất (HET). Trên thực tế, nguồn cung dầu ăn rất dồi dào, có thể đảm bảo cho nhu cầu nội địa. Ông Zulkifli cam kết: “Tôi chắc chắn trong 2 tuần nữa, giá dầu ăn sẽ ổn định. Dù mục tiêu của tôi là 1 tháng, nhưng trong 2 tuần nữa sẽ không có gì phiền phức”. Trước mắt, Bộ Thương mại sẽ triển khai các biện pháp nhằm đưa giá dầu ăn về mức 14.000 Rp/lít tại Jakarta, tiếp đó là các thành phố và khu vực phụ cận như Java, Bali và Sumatra. Bộ thương mại đang triển khai 2 bước. Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân phối dầu ăn cho các cửa hàng bán lẻ. Hiện tại, Bộ Thương mại đã làm việc với 13,900 điểm bán lẻ và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Bước thứ hai, thông báo các cửa hàng bán dầu giá ưu đãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể đến các điểm mua dầu ăn theo chương trình “Dầu ăn cho Nhân dân” với giá hợp lý.

Ấn Độ khuyến nghị mua dầu Nga theo “khối lượng lớn”
Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Ấn Độ tích cực khuyến nghị các công ty dầu khí nhà nước mua dầu thô từ Nga theo “khối lượng lớn” với giá chiết khấu. WSJ dẫn lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho hay: “Chúng tôi không can thiệp hoặc chỉ đạo các công ty trong các giao dịch thương mại của họ. Công việc của chúng tôi là xây dựng chiến lược, chứ không phải là nói với các công ty nên mua gì và không nên mua gì”. Quan chức này nói thêm rằng dầu thô của Nga không bị cấm vận, nhiều nước vẫn tiếp tục mua.
Hồi tuần trước, hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) trích dẫn dữ liệu chưa được công bố từ Chính phủ Ấn Độ đưa tin rằng lượng than Ấn Độ mua của Nga trong giai đoạn 27/5-15/6 đã tăng 6 lần, lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga tăng 31 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo hãng tin, việc Ấn Độ nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga đã tăng lên đáng kể, do bên mua được giảm giá ưu đãi lên tới 30%.
Odebrecht đối mặt khoản tiền phạt hơn 56 triệu USD
Ngày 21/6, Tòa án quản lý thị trường (SCPM) của Ecuador đã ra phán quyết phạt 56,7 triệu USD đối với tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil với cáo buộc hối lộ các quan chức của Tập đoàn điện lực quốc gia Ecuador (CELEC) để giành hai hợp đồng quan trọng tại nước này. Vì lý do này, CELEC cũng bị SCPM xử phạt với khoản tiền 1,3 triệu USD.
Theo SCPM, Odebrecht đã thắng thầu hợp đồng xây dựng nhà máy thủy điện Manduriacu và dự án sửa chữa hệ thống đường hầm của nhà máy thủy điện Pucará. Hai dự án được trao cho Odebrecht với kinh phí dự kiến ban đầu là 133,4 triệu USD, nhưng sau đó hai công trình này bị “đội giá” thêm 130 triệu USD.
Theo cơ quan tư pháp Mỹ, từ năm 2001, Odebrecht đã “đi đêm” 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu, để giành được các dự án. Bản thân Odebrecht thừa nhận đã đưa hối lộ tại 12 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh trong suốt 10 năm để giành hợp đồng trong quá trình đấu thầu.
Với tư cách là nước điều phối việc trừng phạt tài chính với Odebrecht liên quan đến vụ bê bối hối lộ, Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2016 đã ra phán quyết buộc Odebrecht phải trả khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 4,5 tỷ USD.