Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 21/6 dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn dự đoán trước đó và có thể vọt lên mức cao nhất trong 14 năm trong năm nay giữa bối cảnh nhu cầu tăng trong khi nguồn cung thắt chặt.
Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 21/6/2022

Xem thêm: Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 22/6/2022
BoK: Lạm phát 2022 có thể lên mức cao nhất trong 14 năm
Trong một báo cáo định kỳ 6 tháng về lạm phát, BoK cho rằng xu hướng giá trong thời gian tới dự kiến sẽ vượt dự báo tháng Năm do những thay đổi điều kiện trên thị trường, trong đó phải kể đến đà tăng của giá dầu quốc tế. BoK dự báo giá tiêu dùng năm nay dự kiến vượt mức 4,7% của năm 2008, do sức ép từ cả phía cung và cầu đều tăng.
Hàn Quốc đang phải đối mặt với sức ép lạm phát gia tăng do nhu cầu tiêu thụ phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá dầu thô và hàng hóa tăng cao trong bối cảnh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn do cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong một cuộc họp báo ngày 21/6, ông Rhee cho biết sự đồng thuận của thị trường là lạm phát có thể đạt đỉnh trong quý III/2022 nhưng triển vọng vẫn còn mờ mịt trong bối cảnh tình hình bất ổn trong và ngoài nước đều tăng. Theo ông Rhee, so với một tháng trước, lạm phát đã chịu sức ép tăng cao hơn, trong khi nền kinh tế chịu sức ép đi xuống. Ông nhấn mạnh thêm với việc giá cả tăng liên tục và nhanh chóng, chính sách tiền tệ nên tập trung vào giải quyết lạm phát cho đến khi xu hướng tăng dịu bớt. Tuy nhiên, ông Rhee bác bỏ lo ngại Hàn Quốc có thể rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, với dự báo nền kinh tế trong năm nay có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn. Lạm phát đình trệ đề cập đến sự kết hợp giữa tăng trưởng sụt giảm và lạm phát cao.
Giá trần năng lượng tại Anh có thể lên gần 3.000 bảng vào cuối năm nay
Theo dự báo mới nhất, giá trần năng lượng tại Vương quốc Anh có thể tăng hơn 1.000 bảng Anh (khoảng 1.227,38 USD) lên gần 3.000 bảng Anh vào đầu tháng Mười.
Giá trần năng lượng tại Anh hiện ở mức 1.971 bảng Anh, mức cao nhất kể từ khi Anh áp dụng giá trần năng lượng. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 2.980,63 bảng Anh trong giai đoạn tiếp theo, kéo dài từ tháng 10-12. Công ty nghiên cứu Cornwall Insight dự đoán mức giá này sau đó có thể tăng lên đến 3.003 bảng Anh trong giai đoạn từ tháng 1-3/2023.
Trước tình hình đó, Chính phủ Anh đã đưa ra gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ bảng Anh, trong đó có chính sách giảm giá 400 bảng Anh cho mỗi hộ gia đình, và 150 bảng tiền hoàn thuế. Các đối tượng dễ bị tổn thương còn nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn nữa.

easyJet cắt giảm hàng nghìn chuyến bay trong mùa Hè này
Ngày 20/6, EasyJet đã thông báo rằng, để ứng phó với việc các chuyến bay tiếp theo bị cắt giảm tại hai sân bay lớn nhất của hãng là London Gatwick và Amsterdam (Hà Lan), hãng đã chủ động hợp nhất một số chuyến bay để khách hàng có thời gian xem xét điều chỉnh lịch trình cho các chuyến đi và tạo cơ hội đặt chỗ lại.
Các chuyến bay từ các sân bay khác cũng có khả năng bị ảnh hưởng. easyJet cho biết họ không thể cung cấp số lượng chính xác các chuyến bay mà họ định hủy nhưng có thể sẽ đạt công suất khoảng 90% trong số 160.000 chuyến bay mà hãng triển khai vào mùa Hè năm 2019. Trước đó, easyJet đã ước tính rằng hãng này sẽ đạt 97% công suất các chuyến bay so với trước đại dịch vào giữa tháng Bảy và tháng Chín năm nay. Điều đó cho thấy khoảng 11.000 chuyến bay easyJet có thể bị loại bỏ trong những tháng tới, bất chấp nhu cầu gia tăng, với số lượng du khách trong giai đoạn từ tháng Tư tới tháng Năm đã tăng gấp bảy lần so với mức tương ứng của năm 2021.
Các sân bay giới hạn số chuyến bay có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý từ các công ty dịch vụ để thu hồi chi phí tuyển dụng nhân sự. Warwick Brady, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ hàng không Swissport, nói rằng: “Chúng tôi đã tuyển đủ người cho lịch trình mùa Hè và họ đã cắt giảm số chuyến bay, vì vậy chúng tôi hiện có quá nhiều nhân viên, khiến chi phí hoạt động của chúng tôi tăng cao không cần thiết”.
Indonesia kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gà sang Singapore
Chính phủ Indonesia hi vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận với Singapore về kế hoạch xuất khẩu thịt gà sang quốc gia láng giềng trong tháng Sáu này, trong bối cảnh Malaysia, nhà cung cấp thịt gà chủ yếu cho Singapore, thông báo ngưng xuất khẩu thịt gà ra nước ngoài cho đến khi ổn định sản xuất và giá cả ở trong nước. Hiện tại, Singapore đang thiếu hụt nguồn cung thịt gà khiến nước này tăng giá cơm gà Hải Nam.
Thư ký Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Susiwijono Moegiarso cho biết, ngày 20/6, Indonesia đang thảo luận kỹ thuật với Singapore về xuất khẩu thịt gà và dự kiến chương trình sẽ sớm triển khai trong vài ngày tới. Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) cũng đã thông qua kế hoạch nhập khẩu thịt gà từ Indonesia. Cùng ngày 20/6, Chủ tịch Hiệp hội người chăn nuôi gia cầm Indonesia Achmad Dawami cho biết, Indonesia dư thừa sản lượng thịt gà, có thể sản xuất từ 55-60 triệu con gia cầm mỗi tuần với thặng dư từ 15-20% sau khi tiêu thụ nội địa.
Nắng nóng bất thường khiến lượng điện tiêu thụ tại Trung Quốc tăng vọt
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 20/6 đưa tin nhu cầu sử dụng điện tại tỉnh Hà Nam – địa phương với gần 100 triệu dân, đã xác lập kỷ lục mới với 65,34 triệu kilowatt trong ngày 19/6. Mặc dù ngành điện lực của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu này, song dự báo việc cung ứng điện sẽ gặp không ít khó khăn trong mùa Hè năm nay, với phụ tải điện tối đa có thể tăng thêm lên gần 75 triệu kilowatt.
Tỉnh Hà Nam, tỉnh Sơn Đông và nhiều khu vực ở tỉnh Hà Bắc đang phải chống chọi với các đợt nắng nóng gay gắt, cùng điều kiện thời tiết khô hạn trong tháng này. Mức nhiệt đo được tại thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam lên tới 40 độ C trong những ngày gần đây. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc dự báo nhiệt độ cao sẽ tiếp tục duy trì trong ngày 21/6. Đây là tình trạng hiếm khi ghi nhận mức nhiệt cao trong thời gian kéo dài đến như vậy vào tháng Sáu hằng năm.
Khi nhiệt độ tăng, nhu cầu sử dụng điện cũng gia tăng do các hộ gia đình và các doanh nghiệp sử dụng điều hòa ngày càng nhiều. Giai đoạn nắng nóng kéo dài có thể khiến nước này phải hạn chế lượng điện tiêu thụ của các ngành sản xuất trong các giai đoạn cao điểm.