Cafeforexvn – Cổ phiếu của công ty mạng xã hội sụt giảm sau một báo cáo Q3/2021 lộn xộn.
Cổ phiếu Twitter
Cổ phiếu Twitter (NYSE:TWTR) đã giảm 11% vào ngày 27 tháng 10 sau khi công ty mạng xã hội công bố báo cáo thu nhập Q3/2021 với nhiều kết quả trái chiều. Doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,28 tỷ USD, bằng với ước tính của Phố Wall. Tuy nhiên, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ ròng 537 triệu USD, tương đương 0,67 USD trên một cổ phiếu, không đạt kỳ vọng 0,85 USD và giảm mạnh so với thu nhập ròng 29 triệu USD, tương đương 0,04 USD trên một cổ phiếu, của cùng kỳ năm ngoái.
Khoản lỗ đó là do khoản phí kiện tụng một lần trị giá 766 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể, được đệ trình lần đầu vào năm 2016, bởi các nhà đầu tư cáo buộc công ty sử dụng các chỉ số cam kết gây hiểu lầm.
Trong Q4/2021, Twitter dự kiến doanh thu của mình sẽ tăng 16% đến 24%, bằng khoảng kỳ vọng tăng trưởng 22% của Phố Wall. Tuy nhiên, dự báo đó vẫn tính cả doanh thu từ MoPub, mạng quảng cáo di động mà công ty dự kiến sẽ bán cho AppLovin vào Q1/2022. Công ty dự kiến thu nhập hoạt động của mình sẽ chuyển dương trở lại trong Q4 nhưng vẫn giảm 29% đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái do tăng cường đầu tư.
Những con số của Twitter rất lộn xộn, và thật dễ hiểu tại sao các nhà đầu tư lại tìm cách thoát ra. Nhưng liệu đợt bán tháo này có tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua vào?
Tham khảo thêm:
Xem xét các chỉ số tăng trưởng cốt lõi của cổ phiếu Twitter
Số người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền (mDAU) trong Q3/2021 của Twitter đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái (và tăng 2% so với Q2/2021) lên 211 triệu. Kết quả đó cho thấy mDAU đã liên tục tăng trưởng ổn định trong năm vừa qua:
Tăng trưởng mDAU | Q3/2020 | Q4/2020 | Q1/2021 | Q2/2021 | Q3/2021 |
So với Q2/2021 | 1% | 3% | 4% | 4% | 2% |
So với cùng kỳ năm ngoái | 29% | 27% | 20% | 11% | 13% |
NGUỒN: TWITTER
Con số mDAU trên thị trường quốc tế của Twitter đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên 174 triệu người trong Q3. Tuy nhiên, mDAU tại Hoa Kỳ chỉ tăng 3% lên 37 triệu người. Mặc dù vậy, Twitter vẫn tạo ra 58% doanh thu từ người dùng Hoa Kỳ. Tăng trưởng trên thị trường quốc tế được dẫn đầu bởi Nhật Bản, chiếm 29% doanh thu quốc tế và 12% tổng doanh thu của công ty.
Giống như Facebook, Pinterest và Snap, Twitter cũng đang cố gắng tăng dần khả năng kiếm tiền từ người dùng quốc tế để giảm sự phụ thuộc tổng thể vào thị trường Hoa Kỳ.
Doanh thu quảng cáo của Twitter, chiếm 89% doanh thu của công ty, đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hưởng lợi từ Thế vận hội cùng với mức tăng 6% trong số lượt tương tác của quảng cáo và chỉ ghi nhận tác động “khiêm tốn” từ bản cập nhật về quyền riêng tư dữ liệu của Apple trên iOS. Chi phí mỗi lần tương tác (CPE), số tiền một nhà quảng cáo trả cho mỗi lần người dùng tương tác với một quảng cáo, cũng tăng 33% so với tác động ban đầu của đại dịch trong cùng kỳ năm ngoái.
Nhà đầu tư đang lo lắng về điều gì?
Hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của Twitter có vẻ tốt, nhưng họ kỳ vọng việc bán MoPub sẽ làm giảm tổng doanh thu từ 200 đến 250 triệu USD vào năm 2022. Công ty không kỳ vọng bù đắp khoản lỗ đó bằng tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác trong năm tới nhưng cho biết thương vụ bán MoPub sẽ không thay đổi mục tiêu của công ty là tạo ra doanh thu hàng năm hơn 7,5 tỷ USD vào năm 2023 – kết quả này, nếu đạt được, sẽ là một bước nhảy vọt so với kỳ vọng của Phố Wall ở mức doanh thu 5,1 tỷ USD trong năm nay.
Twitter tin họ có thể đạt được mục tiêu đó bằng cách mở rộng nhóm đối tượng của mình lên hơn 315 triệu mDAU và tung ra các sản phẩm mới. Tuy nhiên, nhiều lần ra mắt sản phẩm của Twitter – bao gồm sản phẩm đoản mệnh “Fleets”, “topics” cho các tweet, tính năng giới thiệu mới và đăng ký trả phí cho các tài khoản hàng đầu – đã không giúp nhiều người tin tưởng vào khả năng đạt được những mục tiêu của công ty.
Twitter đã tăng số lượng nhân viên của mình lên hơn 30% vào năm 2021 để hỗ trợ những kế hoạch đầy tham vọng đó. Theo CFO Ned Segal, những chi phí đó, cùng với các khoản đầu tư khác của công ty trong thời gian gần đây, vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ và có khả năng sẽ dẫn đến “gia tăng tổng chi phí 24-26% trong năm tới trước khi công ty thuê thêm người hoặc đầu tư bổ sung trong năm 2022”.
Do đó, một số nhà đầu tư có thể lo lắng Twitter sẽ chi quá nhiều tiền trong năm tới trong khi không tung ra được bất kỳ sản phẩm thúc đẩy doanh thu và truyền cảm hứng nào. Họ cũng có thể nghi ngờ hướng dẫn đầy màu sắc cho năm 2023 của Twitter, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng mDAU của công ty dần dần giảm tốc, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Cổ phiếu Twitter có đáng mua không?
Cổ phiếu Twitter hiện giao dịch với giá gấp 40 lần thu nhập dự phóng. Hệ số giá trên thu nhập đó khiến cổ phiếu đắt hơn Facebook, công ty giao dịch với giá chỉ gấp 20 lần thu nhập, nhưng lại rẻ hơn Pinterest hoặc Snap.
Twitter vẫn đang tăng trưởng nhưng định giá của cổ phiếu có thể đã tăng cao do các mục tiêu đầy tham vọng mà công ty đặt ra tại ngày hội nhà đầu tư vào tháng 2. Snap gần đây cũng bị trừng phạt vì đã báo cáo một quý trái chiều sau khi tuyên bố có thể tạo ra mức tăng trưởng doanh thu hơn 50% trong vài năm tới.
Twitter có thể chịu số phận tương tự trong vài quý tới nếu các kế hoạch chi tiêu mạnh mẽ của công ty không mang lại hiệu quả. Do đó, có lẽ nhà đầu tư không nên đụng đến cổ phiếu Twitter cho đến khi công ty cho thấy một số dấu hiệu rõ ràng hơn.
Huân Hà-Theo fool