Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hồi giữa tháng 6/2022 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, công bố ngày 6/7, nêu rõ lạm phát của Mỹ hiện ở mức quá cao, nhiều khả năng tiếp tục tăng vượt xa mức 2% mục tiêu mà FOMC đề ra trong dài hạn.

Fed sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tới
Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho hay cuộc họp sắp tới nên đề xuất mức tăng lãi suất 0,5-0,75 điểm phần trăm, đồng thời để ngỏ có thể tăng lãi suất mạnh hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Chỉ số chi tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát thường được Fed sử dụng, tháng 4/2022 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi một thước đo lạm phát khác là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 5/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm.
Theo FOMC, CPI tăng mạnh trong tháng 5/2022 cho thấy lạm phát của Mỹ không những chưa có dấu hiệu giảm như kỳ vọng mà còn thể hiện tình trạng lạm phát tăng cao sẽ còn dai dẳng hơn so với dự báo trước đây. Do đó, các quan chức FOMC nhất trí việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm hoặc 0,75 điểm phần trăm có thể sẽ phù hợp tại cuộc họp tiếp theo của Fed.
Biên bản cuộc họp cũng cho thấy các quan chức Fed sẽ không từ bỏ nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế, ít nhất là cho đến cuối năm nay. Việc giá lương thực, năng lượng, nhà ở và các hàng hóa khác tăng cao ngày càng gây sức ép cho các hộ gia đình Mỹ, do đó các quan chức Fed nhấn mạnh các động thái này là “cần thiết nhằm khôi phục sự ổn định giá cả”.
Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ lạm phát sẽ tiếp tục tăng tốc do bất ổn bởi căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp phong tỏa ngăn chặn COVID-19 tại Trung Quốc sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm áp lực giá cả.
Các quan chức thừa nhận họ có thể phải quyết liệt hơn nữa trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ “nếu áp lực lạm phát gia tăng vẫn tiếp diễn”.

Xem thêm: Bitcoin giữ ngưỡng 20.000 USD, Ether tăng muộn trong ngày 6/7
Hàn Quốc xem xét chính sách thắt lưng buộc bụng
Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường sự lành mạnh về tài khóa giữa những lo ngại rằng nợ công đã tăng với tốc độ đáng báo động và mức nợ cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng quốc gia. Động thái này sẽ đánh dấu sự chấm dứt chính sách tài khóa mở rộng mà chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in đã duy trì trong 5 năm qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đối phó với hậu quả của đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp chiến lược tài khóa do Tổng thống Yoon chủ trì, chính phủ cho biết có kế hoạch giảm thâm hụt tài khóa xuống mức trước đại dịch. Bộ Tài chính đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài khóa xuống dưới 3% GDP so với ước tính 5,1% GDP trong năm nay.
Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu cắt giảm tỷ lệ nợ công xuống khoảng 50% GDP vào năm 2027. Dưới thời của cựu Tổng thống Moon, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra ngân sách kỷ lục và tiến hành bảy đợt bổ sung liên quan ngân sách do ảnh hưởng của đại dịch. Do đó, nợ công và thâm hụt tài khóa của nước này tăng mạnh. Trong năm nay, nợ quốc gia của Hàn Quốc dự kiến vào khoảng 1,068 triệu tỷ won (819 tỷ USD), tăng mạnh so với mức 660.000 tỷ won vào năm 2017.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hồi tháng Một cảnh báo rằng tỷ lệ nợ ngày càng tăng của Hàn Quốc có thể ảnh hưởng đến mức xếp hạng của nước này trong trung hạn.
MF không loại trừ nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu trong năm tới
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tổ chức này sẽ lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2022 từ mức 3,6% trong những tuần tới và nói thêm rằng các nhà kinh tế của thiết chế tài chính này vẫn đang hoàn tất các số liệu mới.
IMF dự kiến công bố dự báo cập nhật cho năm 2022 và 2023 vào cuối tháng Bảy, sau khi đã hạ mức dự báo gần 1 điểm phần trăm vào tháng Tư. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,1% trong năm 2021.
Bà Georgieva cho rằng triển vọng của kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể kể từ tháng Tư, do tình trạng lạm phát cao diễn ra ở nhiều nước, lãi suất tăng mạnh hơn, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại và các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine gia tăng. Theo bà, rủi ro suy thoái gia tăng, do đó không thể loại trừ khả năng này.
Số liệu kinh tế gần đây cho thấy một số nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc và Nga, đã giảm trong quý II, cho thấy rủi ro thậm chí sẽ còn lớn hơn trong năm 2023. Năm 2022 đã là một năm khó khăn, nhưng năm 2023 có thể còn khó khăn hơn với nguy cơ suy thoái lớn hơn.
Lợi suất trái phiếu của Đức xuống mức thấp nhất trong 5 tuần
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Đức đã giảm xuống 0,351%, mức thấp nhất trong 5 tuần. Từ đầu tháng đến nay, tỷ lệ này đã giảm hơn 30 điểm cơ bản. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,15% – cũng là mức thấp nhất trong 5 tuần và giảm khoảng 18 điểm cơ bản từ đầu tháng đến nay.
Mối lo ngại quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, cùng với đà tăng của giá khí đốt tại châu Âu, đã tác động mạnh đến thị trường trái phiếu.
Pooja Kumra, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư TD Securities, có trụ sở tại Canada cho rằng tình hình kinh tế đang thay đổi và có thể dẫn tới một cuộc suy thoái, nhưng các ngân hàng trung ương không thể rút khỏi chu kỳ tăng lãi suất. Do đó, những biến động trên thị trường trái phiếu vẫn sẽ tiếp tục. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào cuối tháng Bảy, lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011.
Đà giảm mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu châu Âu là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trái phiếu cảm thấy rủi ro suy thoái gia tăng.