
- Các nhà đầu tư chuẩn bị cho một siêu chu kỳ hàng hóa mới trong năm 2021.
- Kinh tế toàn cầu phục hồi và giao dịch dựa vào kỳ vọng phục hồi kinh tế sẽ giữ vai trò mạnh mẽ.
- Giá kim loại đồng và bạc vượt trội so với giá vàng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuyển đổi sang quá trình phi cacbon hóa
Năm 2020, thị trường hàng hoá đã khép lại một thập kỷ đáng chú ý, với những sự kiện không mấy thân thiện với ngành tài nguyên thiên nhiên. Các nhà giao dịch đã mất cảnh giác trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử. Tương tự như vậy, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng hoá cũng đã khiến nhà đầu tư bất ngờ và kích hoạt một siêu chu kỳ mới trên thị trường.
Năm 2021 đang chứng kiến giai đoạn mở rộng của quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, được thúc đẩy bởi hai câu chuyện chính: sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế hậu đại dịch tại Trung Quốc và kinh tế toàn cầu tăng phát. Lý thuyết tăng phát đề cập đến việc mở rộng sản lượng kinh tế nhờ các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ do các chính phủ hỗ trợ.
Thị trường hàng hoá “thất thủ” bởi đại dịch và nhanh chóng hồi sinh
“Bán mọi thứ” có vẻ là chủ đề chính trên toàn thế giới giai đoạn đầu năm 2020 nói riêng và thập kỷ này nói chung, khi đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn thế giới, đánh gục các tài sản mang lại khả năng sinh lời cao như hàng hoá, cổ phiếu… Các biện pháp hạn chế cũng như phong toả được áp dụng tại hầu hết các quốc gia bắt đầu ảnh hưởng tới cung cầu, kéo theo cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Vào tháng 4/2020, thị trường hàng hoá tổng thể đã chạm mức đáy trong nhiều năm. Trong số các loại hàng hoá được giao dịch phổ biến nhất, kim loại đồng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, giao dịch ở ngưỡng 4.617 USD trên Sàn giao dịch kim loại London (LME). Vàng chạm mức thấp nhất trong năm là 1.451 USD. Giá dầu Brent cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ do lo ngại về triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu cũng như các sản phẩm dầu mỏ.
Chỉ số Hàng hóa Goldman Sachs S&P (S&P GSCI), một trong những chỉ số được công nhận rộng rãi nhất, đã phục hồi gần 80% sau khi chạm đáy vào giữa tháng Tư. Điều đáng chú ý là đà phục hồi của nhóm kim loại công nghiệp đã vượt trội mạnh mẽ so với đà tăng của vàng, ngay cả khi kim loại quý đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.075 USD vào tháng 8.
Sự phục hồi bắt đầu vào nửa cuối năm 2020, khi Trung Quốc, thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới, chứng kiến quá trình phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương trong nửa cuối năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của nước này sẽ tăng 1,9% trong năm 2021.
Hơn nữa, những tiến bộ của quá trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cùng những kỳ vọng về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng góp phần cho sự hồi sinh mạnh mẽ của thị trường hàng hoá. Vào tháng 11 năm ngoái, các công ty dược phẩm lớn của Mỹ, bao gồm Pfizer/BioNTech và Moderna đã thông báo rằng vaccine ngừa COVID-19 của họ cho hiệu quả tới hơn 90%.
Tuy nhiên, chính kỳ vọng tăng phát mới là chất xúc tác chính dẫn tới sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm kim loại công nghiệp, năng lượng và vàng. Để hỗ trợ kinh tế chống chọi với tác động từ đại dịch, các ngân hàng trung ương và các chính phủ trên toàn cầu đã tung ra các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn.
Năm 2021, một siêu chu kỳ hàng hóa đang tiếp tục hình thành, khi các nhà đầu tư đổ xô vào hàng hóa như một nơi trú ẩn an toàn chống lại viễn cảnh lạm phát tăng cao cũng như đặt cược vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và việc đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện đã gia tăng kỳ vọng về một biện pháp kích thích tài chính lớn hơn, khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng duy trì lập trường chính sách hiện tại của mình. Việc tổng thống Biden thúc đẩy các biện pháp kích thích tài chính đã giúp hồi sinh hoạt động giao dịch dựa vào kỳ vọng phục hồi kinh tế, qua đó đẩy lạm phát của Mỹ tăng cao và khiến đồng USD – với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn – bị suy yếu.
Khi các “ngôi sao” trên thị trường hàng hoá đang bắt đầu nổi lên, hãy cùng xem những loại hàng hoá nào sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư, hoặc ít nhất là có thể duy trì được đà phục hồi từ cuối năm 2020 đến nay.
Giá bạc sẽ vượt trội so với vàng
Rõ ràng hơn bao giờ hết, bạc có nhiều khả năng tăng giá hơn vàng nếu sự quan tâm của nhà đầu tư với các loại hàng hoá tiếp tục mạnh lên.

Bạc có ứng dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực công nghiệp khi nó cũng được coi là hàng rào chống lạm phát tốt nhất tiếp ngay sau vàng. Do đó, nếu một loại vaccine tiềm năng, cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhờ các chính sách kích thích, thành hiện thực, bạc sẽ chứng kiến sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ trong các ứng dụng công nghiệp.
Nhìn vào kịch bản từ phía nguồn cung, tình trạng phong toả nghiêm ngặt tại các quốc gia khai thác bạc lớn – bao gồm Trung Quốc, Mexico và Peru – đã gây ra sự gián đoạn trong quá trình sản xuất kim loại. Dù các biện pháp hạn chế cũng gây ra những căng thẳng về nguồn cung đối với vàng, nhưng tác động của nó đối với giá bạc rõ ràng hơn rất nhiều, do nguồn cung bạc tập trung chủ yếu ở các nước sản xuất bạc chủ chốt.
Adam Webb, giám đốc khai mỏ tại Metals Focus, cho biết, sản lượng bạc được khai thác dự kiến sẽ giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn hơn so với vàng.
Hơn nữa, việc Mỹ và Trung Quốc cam kết tiến tới nền kinh tế phi cacbon hóa có thể giúp gia tăng triển vọng lạc quan của bạc. Một sự thay đổi đáng kể của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời có thể thúc đẩy nhu cầu sử dụng kim loại bạc trong lĩnh vực quang điện.
Phải thừa nhận rằng, giá vàng có khả năng vẫn được hỗ trợ nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn trên toàn cầu vẫn tiếp tục được kéo dài và triển vọng lạm phát cao hơn. Tuy nhiên, mức độ gia tăng có thể không còn mạnh mẽ như giai đoạn năm 2020, vì các chính phủ có thể kìm hãm việc tung ra các biện pháp kích thích bổ sung nếu đà phục hồi kinh tế có được động lực nhờ sự phát triển của vaccine ngừa COVID-19.
Dữ liệu thực tế cho thấy, tháng 8 vừa qua, trong khi vàng đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.000 USD thì bạc đã vọt lên mức cao nhất trong bảy năm là 29,85 USD. Do đó, bạc có đủ khả năng thách thức mức cao nhất mọi thời đại là 49,83 USD ngay trong năm 2011.

Một bằng chứng khác minh chứng cho việc bạc đang hoạt động vượt trội hơn vàng là tỷ lệ Vàng/Bạc đã quay trở lại mức đáy ghi nhận vào tháng 8/2020 ở dưới 70,00. Chỉ số này đã giảm mạnh vào năm ngoái và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017. Trong bối cảnh triển vọng đang trở nên sáng sủa hơn đối với bạc, dòng vốn đáng kể vào các quỹ giao dịch hối đoái (ETF) có thể sẽ hỗ trợ đà tăng của kim loại này.
Giá đồng: Tăng nóng
Hiệu suất xuất sắc của đồng trong quý 2/2020 khiến nó trở thành một trong những kim loại công nghiệp được nhà đầu tư yêu thích nhất từ đầu năm 2021 tới nay. Kim loại đỏ ghi nhận mức đỉnh 7741,50 USD trong năm 2020, và các nhà đầu tư đang kỳ vọng đồng sẽ sớm bứt phá ngưỡng 8.000 đô la.
Một trong ba lý do chính đằng sau khả năng tăng giá của đồng là hiện tượng tăng phát khi nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén, khiến lĩnh vực sản xuất toàn cầu hoạt động chậm chạp. Sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục tạo áp lực lên đồng đô la Mỹ với tư cách tài sản trú ẩn an toàn, nhờ đó có thể củng cố giá đồng.
Lý do thứ hai là nhu cầu kim loại màu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, một phần được thúc đẩy bởi lượng nhập khẩu cathode cao kỷ lục và chiến lược của Cục Dự trữ Nhà nước (SRB).
Theo dữ liệu do Cục Hải quan Trung Quốc công bố, nhập khẩu ròng đồng tinh luyện của nước này đã tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,2 tấn trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 11 năm 2020.
Thứ ba là việc tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết về một “Cuộc cách mạng Năng lượng Sạch”, trong đó kêu gọi lắp đặt 500.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030 và sẽ cung cấp 400 tỷ USD cho mảng nghiên cứu và phát triển của ngành công nghệ sạch. Nỗ lực này sẽ góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng kim loại đỏ.

Một cú đột phá kỹ thuật đã được xác nhận trên biểu đồ hàng tháng của LME Copper khiến nó trở thành chất xác tác cuối cùng và quan trọng nhất củng cố khả năng tăng giá của kim loại đỏ. Đồng đã vượt lên khỏi khỏi kênh giảm giá kéo dài một thập kỷ vào khoảng giữa năm 2020 và bắt đầu tăng mạnh vào nửa cuối năm 2020 tới nay. Không thể loại trừ khả năng kinh loại này sẽ hướng tới mức tăng 10.000 USD, khi thành công bứt phá lên khỏi ngưỡng 8.000 USD.
Giá dầu ổn định ở mức cao hơn
Cả giá dầu Brent và dầu WTI đều đang ghi nhận sự phục hồi phi thường sau đợt sụt giảm xuống mức thấp nhất lịch sử vào tháng 3/2020. Hợp đồng tương lai WTI trên sàn Nymex thậm chí đã bước vào vùng tiêu cực lần đầu tiên.
Các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại toàn cầu đã làm cạn kiệt nhu cầu với vàng đen. Các ông ty dầu mỏ thậm chí còn phải thuê tàu chở dầu để tích trữ nguồn cung dư thừa, khiến giá dầu của Mỹ rơi xuống vùng tiêu cực.

Để hỗ trợ sự phục hồi của giá dầu và ổn định thị trường, OPEC và các nước đồng minh (OPEC +), vào tháng 4, đã đồng ý cắt giảm tổng sản lượng ở mức chưa từng có, gần 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nhu cầu toàn cầu.
Năm 2021, giá dầu chứng kiến sự cân bằng trở lại, dù đầu năm vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì đà phục hồi.
Quyết định bất ngờ của OPEC+ về việc trì hoãn việc tăng sản lượng 400 nghìn thùng/ngày (bpd) hồi đầu tháng 11 càng khiến giá dầu thế giới tiếp tục nóng lên. Tại thời điểm hiện tại, giá dầu WTI đang giao dịch quanh ngưỡng 80 USD/thùng.
Với việc đi lại, du lịch và khách sạn có thể mất một vài năm để trở lại bình thường trước đại dịch, khả năng tăng giá thêm của dầu vẫn còn hạn chế. Mặc dù vậy, sự lạc quan do vắc-xin thúc đẩy về sự phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích có thể giữ mức giá sàn thấp hơn.
Xem thêm: Dow Jones tăng hơn 170 điểm sau hồi phục giá vào giữa ngày
Kết luận
Đà tăng của thị trường hàng hóa sẽ vẫn tiếp tục được duy trì và mở rộng, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi hình chữ V, giao dịch dựa vào kỳ vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ và các nước dần chuyển sang mô hình kinh tế phi carbon hóa. Ngoài ra, nhóm kim loại công nghiệp như bạc và đồng có khả năng sẽ tăng mạnh hơn so với vàng và dầu.
Đỗ Hiền-Theo fxstreet