Xu hướng bán tháo của lĩnh vực công nghệ đang mở ra cơ hội tiềm năng cho lợi nhuận bùng nổ trong nhiều năm tới.
Nvidia, Amazon: 2 cổ phiếu tăng trưởng bùng nổ đáng mua trong năm 2022 và tương lai xa hơn nữa

Nhà đầu tư nào đã tham gia vào thị trường chứng khoán lần đầu tiên hồi năm 2021 đang học được rằng cổ phiếu có thể giảm mạnh, ngay cả khi không có đại dịch nào chịu trách nhiệm trực tiếp cho sụt giảm đột ngột đó. Tuy nhiên, những tác động xấu của COVID-19 vẫn còn kéo dài và vẫn là nguyên nhân cơ bản cho phần lớn những gì chúng ta thấy đang diễn ra. Ví dụ:
- Các chương trình kích thích tích cực của chính phủ để phản ứng với đại dịch đang được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm.
- Các vấn đề đang tồn tại trong chuỗi cung ứng do các chính phủ phong tỏa, đặc biệt là Trung Quốc, đang tàn phá nguồn cung hàng hóa.
- Việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất đột ngột đang gây lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái có thể.
Tuy nhiên, có một chủ đề quan trọng mà sự đảo chiều trong thời gian qua đang nhắc lại cho những ai đã đầu tư trong nhiều năm: đầu tư dài hạn vẫn là chiến lược tốt nhất để triển khai trên thị trường. Kể từ khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones được tạo ra vào năm 1896 – và tương tự, từ khi chỉ số S&P 500 ra đời vào năm 1957 – mọi thị trường giá xuống và điều chỉnh đều sẽ được nối tiếp bởi một thị trường giá tăng.
Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab cho biết một thị trường giá xuống trung bình chỉ kéo dài khoảng 17 tháng. Trong khi đó, InvesTech Research cho biết một thị trường giá tăng trung bình kéo dài đến 3,8 năm (thị trường giá tăng dài nhất cho đến nay là 11 năm từ năm 2009 đến năm 2020).
Nói cách khác, kiên nhẫn và đặt cược vào sự phục hồi của chứng khoán Mỹ là một chiến lược thông minh. Trên tinh thần đó, hãy cùng xem xét hai cổ phiếu công nghệ tăng trưởng sẽ tạo ra lợi nhuận lớn đáng kể trong năm 2022 và tương lai xa hơn.
Xem thêm: Cân nhắc đầu tư cổ phiếu Nvidia? 1 yếu tố thuận lợi và 1 cảnh báo nguy hiểm
1. Nvidia
Cổ phiếu Nvidia (NVDA) đã giảm 56% so với mức đỉnh lịch sử thiết lập vào năm ngoái khi các nhà đầu tư chuyển đổi từ các cổ phiếu tăng trưởng cao sang các cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu phòng thủ hơn. Mặc dù thị trường không hẳn là sai khi trở nên thận trọng – đặc biệt là khi chính bản thân nhà sản xuất chip gaming cũng đã cảnh giác về năm tới – việc cắt giảm hơn một nửa định giá của cổ phiếu có vẻ là một phản ứng thái quá.
Hầu hết mọi mảng kinh doanh của Nvidia đều tiếp tục hoạt động tốt hơn mong đợi, với doanh thu từ gaming và trung tâm dữ liệu ở mức kỷ lục – và mảng trung tâm dữ liệu hiện là mảng tăng trưởng hàng đầu của công ty. Nvidia cũng chứng kiến một sự mở rộng mạnh mẽ trong không gian trực quan hóa chuyên nghiệp. Và mặc dù mảng robot và ô tô đã sụt giảm, phân khúc này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của công ty. Các vấn đề chuỗi cung ứng đang diễn ra – chứ không phải hoạt động của Nvidia – mới là nguyên nhân gốc rễ của sụt giảm.
Phố Wall vẫn dự báo doanh thu của công ty sẽ tăng gấp 2,5 lần lên 65,6 tỷ USD trong năm năm tới. Lợi nhuận cũng được kỳ vọng sẽ tăng gần gấp ba lần lên 12,28 USD/cổ phiếu. Kết quả là cổ phiếu vẫn đang tăng trưởng bùng nổ này lại giao dịch ở hệ số giá trên thu nhập thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch xảy ra. Việc 450 tỷ USD định giá bị bốc hơi chỉ trong hơn sáu tháng đã biến Nvidia thành một cơ hội chín muồi để mua vào.
2. Amazon
Mọi thứ đã chấm dứt với Amazon (AMZN). Công ty sẽ không bao giờ có thể quay trở lại. Đó có lẽ là bức tranh bạn có trong đầu nếu nhìn vào phản ứng của thị trường đối với báo cáo thu nhập mới nhất của ông lớn thương mại điện tử. Khoảng 815 tỷ USD – không quá xa so với mức định giá 1 nghìn tỷ USD – đã bị xóa sổ khỏi cổ phiếu của công ty.
Nhưng đó chỉ là một câu chuyện điên rồ. Phản hồi đối với báo cáo thu nhập được xác định dựa trên khoản lỗ khổng lồ 4 tỷ USD mà Amazon báo cáo. Tuy nhiên, khoản lỗ đó là kết quả của khoản đầu tư vào nhà sản xuất xe tải điện Rivian – với khoản lỗ trước thuế 7,6 tỷ USD từ cổ phần trong công ty này được ghi nhận như một phần của chi phí hoạt động. Hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ đám mây của Amazon vẫn hoạt động tốt.
Đúng là phân khúc bán lẻ đang có dấu hiệu trưởng thành, mặc dù người ta có thể lập luận rằng mức tăng trưởng 8% trong một doanh nghiệp báo cáo doanh thu hàng quý gần 50 tỷ USD vẫn là khá mạnh mẽ. Và trong khi thương mại điện tử quốc tế đang đi xuống, châu Âu lại phải đối mặt với một số thách thức đặc biệt, không kém phần quan trọng trong đó là cuộc chiến ở Ukraine. Vì lẽ đó, một mức sụt giảm doanh thu 6% không phải là nghiêm trọng xét đến bối cảnh hiện tại.
Amazon Web Services (AWS) đang là động lực tăng trưởng thực sự của công ty với doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái – một cỗ máy tạo lợi nhuận tuyệt vời cho ông lớn công nghệ. Và khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sang trực tuyến, họ sẽ tiếp tục xem Amazon là một thế lực quan trọng để dựa vào cho các dịch vụ này.
Mặc dù Amazon.com hiện có giá trị “chỉ” khoảng 1 nghìn tỷ USD, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng họ sẽ mở rộng thu nhập với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đến 40% trong năm năm tới. Hãy nghĩ về điều đó. Công ty lớn thứ năm trên thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tạo ra tăng trưởng lợi nhuận với tốc độ mà hầu hết các công ty tăng trưởng chỉ có thể thấy trong tưởng tượng.
Điều đó biến Amazon thành một cổ phiếu có thể tiếp tục mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận ngay bây giờ và trong nhiều năm tới.