Tóm tắt các điểm nhấn FOMC
- Fed tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản lên 2,25%-2,50%, khớp với kỳ vọng của thị trường
- Tuyên bố của FOMC giữ nguyên kế hoạch tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu, báo hiệu sắp có nhiều đợt tăng lãi suất tiếp theo
- Sau cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào báo cáo GDP quý 2 của Mỹ vào ngày thứ Năm
Trong lúc Chủ tịch Powell tổ chức họp báo, S&P 500 đã kéo dài đà tăng sau khi vị lãnh đạo này nói rằng việc Fed có tăng bất thường lãi suất hay không thì sẽ phụ thuộc vào dữ liệu. Điều này có nghĩa là Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất nếu tình hình vĩ mô có cải thiện, đặc biệt là về mặt lạm phát. Với việc giá dầu và xăng giảm mạnh trong những tuần gần đây, chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể sẽ bình ổn lại từ nay cho đến cuộc họp FOMC tháng 9, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách bớt quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ.

Ngay sau khi quyết định của FOMC được đưa ra, chỉ số S&P 500 đã rung lắc mạnh, nhưng vẫn giữ sắc xanh ngày mà không có sự thay đổi nào về xu hướng cơ bản. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm vẫn giữ ở mức trước quyết định FOMC (3,05%) do các nhà hoạch định chính sách không gây bất ngờ theo hướng quyết liệt, mặc dù vậy ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vẫn duy trì kế hoạch tương tự như những tháng trước.
S&P 500 và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm

Cục Dự trữ Liên bang đã tiếp tục có một động thái mạnh mẽ nữa trong cuộc chiến lạm phát tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7. Đến cuối cuộc họp vào ngày thứ Tư, ngân hàng trung ương Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên phạm vi từ 2,25% đến 2,50%, bằng với mức tăng và kỳ vọng đồng thuận trong cuộc họp tháng 6.
Sau đợt điều chỉnh trong ngày hôm nay, FOMC đã thắt chặt tổng cộng 225 điểm cơ bản kể từ tháng 3, bắt đầu một trong những chu kỳ bình thường hóa lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua, vừa tăng lãi suất vừa thu hẹp bảng cân đối kế toán. Các biện pháp quyết đoán được thực hiện cho đến nay cũng thể hiện một tín hiệu rõ ràng rằng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vẫn kiên quyết cam kết khôi phục trạng thái bình ổn giá và sẵn sàng chịu đựng nỗi đau kinh tế để hoàn thành mục tiêu khó nhất trong nhiệm vụ kép của họ, đó là phải đạt được tỷ lệ lạm phát trung bình 2%.
Khi Fed hút bớt tiền ra khỏi hệ thống thông qua các công cụ thông thường và bất thường, chi phí đi vay tiền sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó làm giảm tổng cầu trong nền kinh tế. Ngược lại, nhu cầu yếu hơn sẽ gây áp lực giảm lên giá cả nói chung, cho phép lạm phát dao động ở mức vừa phải.
Mặc dù FOMC đã nâng lãi suất nhiều lần và bắt đầu cắt giảm quy mô danh mục đầu tư để hạ nhiệt tăng trưởng, nhưng việc làm giảm lạm phát khi đang ở mức cao như vậy cuối cùng sẽ khiến nguy cơ thất nghiệp và suy thoái tăng mạnh, điều này ít nhất đã được chứng minh trong lịch sử. Mặc dù các điều kiện tài chính tổng thể đã không còn đáp ứng tốt cho đà tăng trưởng trong những tháng gần đây, nhưng tỷ lệ thất nghiệp hầu như vẫn không thay đổi. Điều này cho thấy Fed vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến lộ trình thắt chặt tiền tệ để kiềm chế chỉ số CPI sau khi chỉ số này đạt đỉnh cao nhất trong 4 thập kỷ qua (9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái).
Báo cáo FOMC
Thông cáo của FOMC đưa ra cái nhìn kém lạc quan hơn về nền kinh tế so với tháng trước, cảnh báo rằng các chỉ số về sản xuất và chi tiêu đã suy yếu. Song, những lo ngại về sự giảm tốc kinh tế đã được bù đắp bởi những nhận xét tích cực rằng thị trường lao động vẫn còn khỏe.
Về vấn đề giá tiêu dùng, Fed lưu ý rằng CPI tiếp tục đứng ở mức cao, phản ánh chi phí năng lượng cao hơn và mất cân bằng cung cầu, lưu ý rằng ngân hàng vẫn chú ý đến rủi ro lạm phát.
Về mặt chính sách tiền tệ, FOMC vẫn giữ nguyên kế hoạch tương tự như các tuyên bố trước đó, chỉ ra rằng cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ sẽ tăng chi phí đi vay lên trên mức trung tính, mà theo định nghĩa là khoảng 2,5% và đẩy lên vùng lãi suất hạn chế trong những tháng tới.
Xem thêm: Người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”, có nên mua cổ phiếu Nike lúc này?
Phương hướng sắp tới
Nay cuộc họp FOMC tháng 7 đã qua, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, mà theo lịch trình sẽ được công bố vào tối thứ Năm theo giờ Việt Nam. Mặc dù đây là một báo cáo hướng hậu (backward-looking), nhưng con số GDP có thể mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình tiêu dùng và cách ứng phó của các hộ gia đình Mỹ khi đối mặt với tình trạng lạm phát cao ngất ngưởng trong khi thu nhập thực tế lại giảm.
GDP quý 2 dự kiến sẽ tăng 0,5% trên cơ sở hàng năm, sau khi giảm 1,6% trong ba tháng đầu năm, mặc dù vậy một số công ty tài chính Phố Wall dự đoán GDP sẽ sụt giảm lần nữa. Hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm được định nghĩa là suy thoái về mặt kỹ thuật, nhưng Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) lại định nghĩa rộng hơn.
Đối với NBER, “suy thoái là khi hoạt động kinh tế suy giảm đáng kể, trải rộng trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng”. Với việc thị trường lao động vẫn tạo ra việc làm ở mức ổn định và kết quả suy giảm GDP quý đầu tiên là do vấn đề hàng tồn kho và các yếu tố bên ngoài, nền kinh tế Mỹ có thể vẫn chưa suy thoái theo định nghĩa của chính phủ nước này.