
Không có gì bất ngờ khi các mã token của các sàn giao dịch phi tập trung (DeFi) đồng loạt tăng giá sau những quy định thắt chặt giao dịch tiền điện tử của chính phủ Trung Quốc. Bởi trên lý thuyết, các nền tảng giao dịch DeFi không thể bị kiểm duyệt.
Lệnh cấm từ Trung Quốc có thể giúp DeFi “hưởng lợi”, nhưng chỉ trong ngắn hạn
Nhưng theo các nhà đầu tư, các chuyên gia pháp lý cũng như những người sáng lập các sàn DeFi Trung Quốc, trong bối cảnh mà các hoạt động liên quan tới tiền điện tử bị kiểm soát mạnh như hiện nay, đà tăng của DeFi sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn mà thôi. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, sự phát triển của DeFi ở Trung Quốc sẽ bị bóp chết từ trong trứng nước, và dòng vốn vào DeFi sẽ dần mất đi.
Trong thông báo đưa ra ngày 24/9, các nhà quản lý Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố rõ rằng chính phủ Trung Quốc cấm các giao dịch tiền điện tử, và các cá nhân sống ở Trung Quốc nhưng làm việc cho các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước ngoài có thể bị truy tố pháp luật. Điều này đã vạch rõ các ranh giới lên mảng xám pháp lý vốn đang tồn tại trong mảng tiền kỹ thuật số hiện nay.

Xem thêm: Cách tăng trưởng danh mục đầu tư với DeFi
“Những quy định được công bố hôm 24/9 đã làm rõ việc thực thi quyền tài phán theo lãnh thổ đối với các nhân viên làm việc cho các sàn giao dịch tiền ảo ở nước ngoài,” công ty luật Zhihe Partners có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Tương tự, quyền tài phán theo lãnh thổ này cũng được áp dụng cho các đối tượng sống tại Trung Quốc và làm việc trong các sàn DeFi chưa thành lập tư cách pháp nhân.”
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo đối với các công ty phát hành tiền điện tử rằng nếu những người điều hành phía sau là công dân Trung Quốc, thì việc chính phủ nước này phải “đánh giá cẩn thận” những nguy cơ mới là điều hoàn toàn cần thiết.
Lệnh cấm mới nhất đã buộc sàn giao dịch tập trung Huobi ngừng cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc. Tương tự, nhiều nền tảng giao dịch DeFi cũng đang từ bỏ thị trường này.
“Mọi người đều tuyệt vọng,” một nhà đầu tư kiêm người sáng lập một dự án DeFi người Trung Quốc cho hay. “Một số dự án tốt đã chuyển ra nước ngoài. Nhiều nhóm WeChat dành cho nhà đầu tư các dự án đã tan rã trong vài ngày qua.”
Một người sáng lập dự án DeFi khác cũng cho biết đang có ý định rời khỏi thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể, nhưng chúng tôi vẫn không biết liệu như thế đã đủ chưa.”
Các sàn giao dịch có trụ sở tại Trung Quốc không phải là những đơn vị duy nhất đang gặp khó khăn.
Cựu lãnh đạo của sàn giao dịch bitcoin lớn nhất Trung Quốc BTCC, Bobby Lee đã chỉ ra rằng dòng vốn mới từ thị trường Trung Quốc đổ vào các sàn DeFi sẽ chậm lại khi các sàn giao dịch phi tập trung (OTC) bị siết chặt hơn.
Các sàn OTC, nơi tạo điều kiện cho các giao dịch ngang hàng (P2P), đã trở nên phổ biến với các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện giao dịch mua bán tiền điện tử, nhất là sau khi nước này cấm giao dịch fiat-to-crypto vào năm 2013.
“Tốc độ của các nguồn vốn mới vào thị trường DeFi ở Trung Quốc sẽ chậm lại,” một nhà đầu tư giấu tên cho hay. “Giống như một đường ống nước bị thu hẹp, những động thái mới nhất của chính phủ Trung Quốc với tiền điện tử cũng sẽ gây các tác động tiêu cực lớn đến DeFi.”
Tuy nhiên, vẫn có không ít người lạc quan rằng các lệnh cấm mới của Trung Quốc sẽ là chất xúc tác để các token DeFi tăng giá về lâu dài. Ít nhất, ngay sau khi lệnh cấm được công bố, các mã như UNI, PERP và DYDX đều lập tức tăng mạnh.

Theo nhận định của phó giám đốc marketing Ben Yorke tại WOO Network, sàn giao dịch phi tập trung nằm dưới sự quản lý của nhà tạo lập thị trường Kronos Research, các quy định mới của Trung Quốc sẽ chủ yếu tác động đến dòng vốn đơn lẻ, vì hầu hết các tổ chức giao dịch tiền điện tử Trung Quốc hiện đều đã chuyển ra nước ngoài.
Lệnh cấm – được cho là để giúp bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân – có khả năng thúc đẩy nhiều tội phạm tiền ảo người Trung Quốc ở nước ngoài tham gia vào thị trường DeFi.
Theo ghi nhận của WOO Network, khối lượng giao dịch hàng ngày của sàn giao dịch này trong vài ngày qua đã nhiều lần đạt mức cao kỷ lục. Sự tăng trưởng nhanh chóng này là do Kronos Reseach – công ty chủ quản của WOO Network – là nhà cung cấp thanh khoản cho sàn giao dịch phi tập trung dYdX. dYdX hiện đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về cả giá trị mã token và khối lượng giao dịch sau lệnh cấm của Trung Quốc.
“Các quy định mới khiến tiền rút khỏi các sàn giao dịch lớn dẫn đầu thị trường và đổ vào các sàn DeFi hoặc các sàn giao dịch cấp 2. Nó cũng khiến thị trường trở nên ít hấp dẫn với những người dùng đang hy vọng kiếm lợi từ các lỗ hổng của pháp luật,” ông Yorke cho biết thêm. “Hiện tại, các nền tảng tài chính phi tập trung có vẻ như là một lựa chọn để nhà đầu tư chủ động giảm thiểu các rủi ro liên quan tới nền tảng hoặc ví giao dịch.”
Đỗ Hiền-Theo coindesk