Cafeforexvn – Tháng 9/2021, một loạt các hoạt động giao dịch cổ phiếu của nhiều nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ bị tiết lộ. Những cuộc tranh cãi quanh vấn đề này được cho là một phần nguyên nhân khiến hai chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Boston và Dallas xin từ chức, đồng thời khiến Chủ tịch FED Jerome Powell rơi vào tình thế khó khăn.
Tới đầu tháng 10, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế công bố hồ sơ Pandora. Kho tài liệu mật gồm 11,9 triệu tài liệu đã tiết lộ cách thức “35 nhà lãnh đạo thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức nhà nước ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng những kẻ đào tẩu, kẻ lừa đảo và kẻ giết người toàn cầu” chuyển tài sản đến các thiên đường thuế, các công ty và quỹ tính thác để che giấu các giao dịch kinh doanh cũng như trốn hàng nghìn tỷ USD tiền thuế.
Có nhiều người sẽ bỏ qua vụ hồ sơ Pandora vì cho rằng chúng không có gì mới mẻ. Những người khác có thể có xu hướng đặt ra những câu hỏi khá “ngây thơ”, đại loại như: “Những hành động này không vi phạm quy định pháp luật của những quốc gia nơi các đối tượng bị gọi tên trong hồ sơ Pandora sinh sống, vậy vấn đề ở đây là gì?”
Vấn đề ở đây là chúng ta phải nắm được những gì ẩn sau câu chuyện này. Hồ sơ Pandora buộc chúng ta phải đương đầu với thực tế khắc nghiệt rằng có hai bộ quy tắc cho xã hội: một bộ dành cho một nhóm nhỏ những người có khả năng tiếp cận với đòn bẩy quyền lực, và bộ kia dành cho những người còn lại. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội đầy thách thức của năm 2021, lời nhắc nhở về sự chia đôi không công bằng này càng làm tổn thương lòng tin của công chúng vào các thể chế tập trung đang giữ nhiệm vụ kiểm soát nền kinh tế của chúng ta.
Nó cũng đặt ra câu hỏi: liệu đòn đánh vào sự tự tin của các thể chế này có ý nghĩa như thế nào đối với tiền điện tử nói riêng và đối với triển vọng của một hệ thống thay thế dạng tài chính phi tập trung nói riêng? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời.
Tham khảo:
- Hiểu rõ về đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin
- Giao dịch định lượng trên thị trường tiền kỹ thuật số
Lòng tin bị đe dọa
Hồ sơ Pandora được tung ra trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe. Ở đó, những người nghèo phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại trong khi những người giàu có, ít nhất là về mặt tài chính, lại khá hơn rõ rệt. Nhóm người giàu có này đứng bên cạnh các chính trị gia đang bị bó buộc bởi các đảng phái trong việc ban hành các quy định cho phép đổi mới sản xuất và tăng trưởng bền vững. Họ cũng khiến các biện pháp “nới lỏng định lượng” của các ngân hàng trung ương bị hoài nghi nhiều hơn. Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: liệu chính sách tiền tệ mà hiệu quả của nó vẫn còn chưa được xác định này có phải đang được điều hành vì lợi ích hạn hẹp của một nhóm quan chức thay vì lợi ích của cả nền kinh tế hay không.
Điều quan trọng ở đây là câu hỏi cốt lõi về lòng tin.
Tiền là một khái niệm mang tính ước định của cả tập thể. Một loại tiền tệ chỉ hoạt động nếu người dùng có chung niềm tin rằng hệ thống tạo nên đồng tiền này đang phục vụ lợi ích chung của tất cả mọi người. Nó đòi hỏi niềm tin vào các quy tắc, giao thức và thể chế điều hành hệ thống đó.
Chúng ta đã thấy điều gì xảy ra khi nền tảng của lòng tin bị phá vỡ: siêu lạm phát của cộng hòa Weimar (Đức), Zimbabwe và nhiều nước Mỹ Latinh khác. Thái độ khinh bỉ, coi thường sự tự cường thâm căn cố đế của chính phủ nhiều nước khiến các hệ thống tiền tệ yếu kém không thể phá vỡ chu kỳ khủng hoảng lặp đi lặp lại.
Cho đến nay, chúng ta chưa thấy có sự đổ vỡ nào như vậy trong hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD. Bất chấp những thách thức nội tại cũng như các vấn đề địa chính trị mà Mỹ phải đối mặt, hầu hết mọi người vẫn giữ vững lòng tin vào hệ thống tài chính này và không từ bỏ nó.
Nhưng sự tin tưởng đó không phải là vô hạn. Tại một thời điểm nào đó, nếu mọi người nhìn thấy đủ bằng chứng cho thấy hệ thống này đang hoạt động không vì lợi ích của họ, niềm tin này chắc chắc sẽ biến mất. Nếu một mô hình thay thế hấp dẫn hơn xuất hiện, mọi người có thể bị thu hút về phía nó.
Đây chính xác là những gì đang diễn ra trong cộng đồng những người ủng hộ tiền điện tử, những người muốn có một hệ thống sử dụng giao thức phi tập trung để thiết lập các quy tắc và thực hiện các giao dịch, thay vì dựa vào một trung gian tập trung có thể dễ dàng bị mua chuộc như ngân hàng hoặc chính phủ. Vì chúng ta gần như không thể việc tạo ra một tổ chức do con người vận hành và không bao giờ mắc sai lầm, nên đã đến lúc đặt lòng tin vào những thuật toán không bao giờ gây ra sai sót.
Triển vọng và thách thức của tiền điện tử
Cho tới lúc này, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cụ thể cho thấy phần đông công chúng sẵn sàng thực hiện bước nhảy vọt, sử dụng Bitcoin, stablecoin hay một số mã thông báo khác làm cơ chế chính để gửi và tiết kiệm tiền bạc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một phần là những sai lầm trong nhận thức và giáo dục. Một phần là do ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số với quy mô ngày một lớn hơn đang tiếp tục tích hợp và sửa chữa các lỗ hổng tập trung để đối đầu với hệ thống tài chính truyền thống.
Những người ủng hộ tiền điện tử có lý khi phàn nàn rằng báo chí chính thống đang tập trung quá mức vào mặt trái của tiền kỹ thuật số như các vụ hack, các vụ thua lỗ và thất bại, thay vì đưa tin đầy đủ về sự đổi mới cũng như những tiến bộ đáng kinh ngạc của ngành này trong một thập kỷ qua. Nhưng thực tế là, những vấn đề này xảy ra là do sự tồn tại của một cấu trúc tương tự với cấu trúc đã tạo ra vụ lùm xùm quanh các giao dịch chứng khoán của FED hay các giao dịch trong hồ sơ Pandora mà chúng ta đã đề cập tới ở đầu bài viết. Thị trường tiền điện tử cũng có sự hiện diện của các tổ chức tập trung, nhận ủy thác đầu tư từ các khách hàng. Mỗi thực thể này đều có khả năng bị lạm dụng hoặc thất bại. Hãy nghĩ đến QuadrigaX hoặc Mt. Gox.
Sự hiện diện của những thực thể tập trung như vậy trên thị trường tiền điện tử là không thể tránh khỏi. Có ba nguyên nhân:
Thứ nhất, nền tảng công nghệ của ngành tiền kỹ thuật số không được phát triển đầy đủ.
Thứ hai, do mạng lưới người dùng không đủ lớn hoặc không đủ mạnh để cho phép quản trị phi tập trung thực sự.
Thứ ba, các nhà phát triển đã cố gắng xây dựng các ứng dụng phi tập trung có thể tương tác với hệ thống tài chính truyền thống. Điều này buộc các ứng dụng phi tập trung phải tuân theo những quy định quản lý truyền thống, bao gồm quyền giám sát tập trung và thu thập dữ liệu người dùng.
Các nhà phát triển chuỗi khối đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc xây dựng các giải pháp mật mã cho những vấn đề này và khuyến khích việc áp dụng nhanh chóng để cung cấp các dịch vụ phi tập trung. Sự phát triển của các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) đang phản ánh những nỗ lực này. Nhưng để đạt được một quy trình hoàn thiện thì có lẽ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, khuôn khổ quy định pháp luật, ít nhất là ở Mỹ, hiện không có lợi cho việc thúc đẩy tài chính phi tập trung. Bản thân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ Gary Gensler cũng có quan điểm khá cứng rắn với tiền kỹ thuật số khi cho rằng hầu hết các mã thông báo đều không đảm bảo an toàn, và rằng ngành rằng tài chính phi tập trung (DeFi) đang được phân quyền một cách hiệu quả để tránh né việc xử lý vấn đề này.
Cuối cùng, chất lượng của các cuộc thảo luận công khai về tiền điện tử vẫn còn kém. Thay vì tập trung vào câu hỏi “loại bỏ các trung gian đáng tin cậy có thể giải quyết vấn đề tham nhũng như thế nào”, thì các cuộc thảo luận lại bị đóng khung bởi các quy tắc của mô hình tập trung cũ kỹ, nơi các tổ chức trung gian như ngân hàng có toàn quyền xác định và xử lý những người vi phạm.
Rất nhiều người có thể sẽ sử dụng hồ sơ Pandora như một lý lẽ chống lại tiền điện tử và kết luận sai rằng nó sẽ khiến kẻ gian dễ dàng thực hiện các hành vi rửa tiền hơn. Song, thực tế là phân tích blockchain, kết hợp với các công cụ bảo vệ quyền riêng tư, hoàn toàn có thể tạo ra các công cụ giá trị cho việc thực thi pháp luật trong khi vẫn bảo vệ quyền riêng tư và sự phân quyền. Chỉ có điều, mọi người không nói về chúng trên các phương tiện chính thống, đồng nghĩa với việc chúng không lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý.
Đỗ Hiền-Theo coindesk