Trong phiên giao dịch ngày 30/6, vàng gần như án binh bất động, nhưng đang chứng kiến một trong những giai đoạn giao dịch ảm đạm nhất kể từ đầu năm 2021 do khi các nhà đầu tư e dè trước đà tăng mạnh của USD. Trong khi đó, triển vọng giá vàng cũng bị lu mờ khi các ngân hàng trung ương lớn đang thực hiện các chính sách tiền tệ tích cực để chống lại lạm phát tăng nóng.

Khép phiên giao dịch vào lúc 13 giờ 15 phút, vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.817,01 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ít thay đổi ở mức 1.816,90 USD.
Giá vàng đã giảm 6,2% trong quý này. Dự kiến vàng đã giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Matt Simpson của City Index cho biết, sự kết hợp giữa lợi suất tăng và đồng USD đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kém hiệu quả của vàng.
Đồng USD dao động gần mức đỉnh trong hai thập kỷ gần đây và có thể ghi nhận quý tốt nhất trong hơn 5 năm, khiến vàng định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Hôm thứ Tư, các giám đốc ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cho biết để giảm lạm phát cao trên toàn cầu sẽ gây khó khăn và thậm chí có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, động thái này phải được thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn tốc độ tăng giá chóng mặt.
Lợi suất trái phiếu cao hơn và việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát đã làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Kết quả kinh doanh của vàng trong quý II đã xóa sạch lợi nhuận của kim loại màu vàng đạt được hồi đầu năm khi mà xung đột Ukraine-Nga gia tăng khiến nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn của vàng trở nên hấp dẫn hơn. Cụ thể, giá vàng đã quay trở lại mức hồi đầu năm 2022, chỉ trên 1.800 USD.
Ilya Spivak, chiến lược gia tiền tệ tại DailyFX cho biết, trong tương lai, xu hướng sẽ ngày càng giảm khi các đợt tăng lãi suất tiếp tục diễn ra và làm giảm kỳ vọng lạm phát, ông cũng cho biết thêm rằng 1.780-1.790 USD là mức hỗ trợ quan trọng đối với vàng.
Liên quan tới lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga của các nước G7, nhà phân tích Joni Teves của UBS lưu ý, điều quan trọng là phải xem liệu các cuộc thảo luận (về lệnh cấm) có lấn sang các kim loại quý khác, đặc biệt là palladium hay không.
“Nga chiếm hơn 40% nguồn cung cấp mỏ palladium toàn cầu, trong khi các nước như Mỹ và Nhật Bản có ngành công nghiệp ô tô cần palladium như một nguyên liệu đầu vào trong bộ phận xúc tác tự động cho các phương tiện chạy xăng,” ông Teves nói.
Dự báo giá vàng
Giới đầu tư nhận định giá vàng đang chật vật để bảo vệ mức tăng từ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong phiên trước. Hiện, kim loại quý này vẫn chưa có động thái dứt khoát và vẫn loanh quanh ở mốc 1.818 USD.
Vàng đã giảm xuống mức thấp nhất của hai tuần vào ngày 29/6, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới quyết tâm giữ vững kế hoạch kiềm chế lạm phát, kể cả phải trả giá bằng sự suy giảm kinh tế trong ngắn hạn.
Chủ tịch FED Jerome Powell chủ yếu lặp lại cam kết mới nhất của mình về việc chống lạm phát, với việc sẵn sàng thông báo một đợt tăng lãi suất 0,75% nữa nếu cần thiết. Người đứng đầu FED cũng ca ngợi sức mạnh kinh tế Mỹ, khiến đồng USD tiếp tục vững chắc hơn. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã đánh tín hiệu về khả năng tăng lãi suất mạnh hơn vào tháng 9. Còn Thống đốc Ngân hàng Anh (BOE) Andrew Bailey đã bày tỏ quan ngại về cú sốc thu nhập thực tế.
Giá vàng đã bị tác động mạnh sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội hàng năm (GDP) của Mỹ trong Quý I đã giảm xuống âm 1,6% so với dự báo ban đầu là âm 1,5%. Mặt khác, Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 7,1%, cao hơn so với mức dự đoán trước đó là 7,0%.
Những lo ngại về địa chính trị và liên kết thương mại liên quan tới Nga và Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch cũng như giá vàng.
Trong thời gian tới, các nhà giao dịch vàng sẽ hướng sự chú ý đến chỉ số Sản xuất (NBS) và Phi sản xuất (PMI) tháng 6 của Trung Quốc để tìm kiếm hướng cho vàng. Tiếp đó là Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 5 – công cụ đánh giá lạm phát ưa thích của FED. Dự kiến, chỉ số này sẽ tăng từ mức 0,3% của tháng 4 lên 0,4% trong tháng 5.
Phân tích kỹ thuật
Vàng giao dịch phía dưới đường DMA 10 ngày, và một đường kháng cự kéo dài chín ngày. Với đường MACD cho tín hiệu giá xuống và chỉ báo RSI ổn định, nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục giảm thêm.
Dù vậy, một đường hỗ trợ dốc lên từ ngày 16/5 có thể hạn chế mức giảm tức thời ở 1.815 USD. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ, giá có thể nhanh chóng giảm về phía đường hỗ trợ nằm ngang kéo dài sáu tuần ở gần 1.807 USD.
Sau đó, không thể loại trừ khả năng giá giảm thêm hướng về mốc 1.800 USD trước khi rơi về mức đáy của năm ở gần 1.786 USD.
Ở chiều ngược lại, đường DMA 10 ngày và ngưỡng kháng cự đường xu hướng tức thời đã đề cập ở trên – tương ứng gần 1.827 USD và 1.832 USD, có thể hạn chế sự phục hồi của giá vàng.
Đáng lưu ý rằng đường DMA 50 ngày ở 1.850 USD đang đóng vai trò quan trọng cho xu hướng giá lên của vàng.
