ĐÔ LA MỸ, CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG, ĐÀI LOAN, THỎA THUẬN HẠT NHÂN VỚI IRAN
- COVID-19 và việc Fed tăng lãi suất có thể phóng đại thêm những cú sốc gây ra bởi các rủi ro địa chính trị
- Căng thẳng Mỹ-Trung và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra ở Mỹ
- Thỏa thuận hạt nhân với Iran, các chỉ số cơ bản bấp bênh có thể khuếch đại sự hỗn loạn trên thị trường

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NĂM 2022: RỦI RO ĐỊA CHÍNH TRỊ CÓ THỂ LÀM GIẢM SỰ HƯNG PHẤN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Cùng với tác động kép của COVID-19 và việc Fed tăng lãi suất, những cú sốc địa chính trị trong năm 2022 có thể sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động của thị trường. Khi các chỉ số cơ bản còn yếu và vùng đệm cho tăng trưởng kinh tế bị xói mòn, tác động của những căng thẳng trong quan hệ quốc tế sẽ được cảm nhận sâu sắc và rộng rãi hơn.
BẦU CỬ GIỮA NHIỆM KỲ CỦA HOA KỲ
Theo sau làn sóng xanh với các đảng viên Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện của Hoa Kỳ, thị trường ban đầu đã rất vui mừng. Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư đã dự đoán sẽ có thêm nhiều dự luật chi tiêu của chính phủ được thông qua vì cả sự yêu thích của đảng Dân Chủ đối với việc này và sự thống trị của họ trong cả hai cơ quan lập pháp. Việc thiếu sự liên kết giữa các đảng viên Dân Chủ và sự chậm trễ của các kế hoạch mở rộng tài khóa quan trọng đã là một rủi ro không lường trước được vào thời điểm đó.
Đạo luật “xây dựng trở lại tốt hơn”, sẽ bơm hơn 1,7 nghìn tỷ USD vào chi tiêu xã hội – chẳng hạn như tài trợ cho giáo dục mầm non và nghỉ phép của cha mẹ – đã bị trì hoãn, chủ yếu do Thượng nghị sĩ Dân Chủ Joe Manchin. Sự phản đối của ông đối với dự luật đã dẫn đến nhiều lần trì hoãn và khiến nhiều đảng viên Dân Chủ và các cử tri của họ thất vọng. Điều này có thể thay đổi vào tháng 11.
Sự thất vọng của các cử tri chủ chốt về tình trạng dậm chân tại chỗ của chính quyền đảng Dân Chủ có thể sẽ được đảng Cộng Hòa tận dụng để thay đổi cán cân quyền lực. Hơn nữa, sự hiện diện của Donald Trump ở ngoại vi (thông qua các chiến dịch vận động chung hoặc chứng thực ủng hộ các đảng viên của mình) có thể làm phức tạp thêm bối cảnh chính trị.
Nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã làm rạn nứt đảng Cộng Hòa. Và thậm chí cả bây giờ, chủ nghĩa phân cực về ý thức hệ của ông vẫn tiếp tục gây chia rẽ nội bộ đảng nói riêng và gây phân cực chính trị nói chung. Tuy nhiên, đảng Dân Chủ cũng phải đối mặt với sự rạn nứt trong nội bộ giữa các phần tử cấp tiến hơn và những người bảo thủ lớn tuổi, những người thận trọng hơn về rủi ro đánh mất các cử tri trung tâm vào tay những người đồng cấp của đảng Cộng Hòa.
Các bang quan trọng để theo dõi trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ là Arizona, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia, Nevada, North Carolina, Ohio, New Hampshire và Florida. Bang Florida sẽ đặc biệt quan trọng do tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Thống đốc Ron DeSantis giữa các đảng viên Cộng Hòa trong bối cảnh ông đang xử lý đại dịch COVID-19. Có tin đồn rằng ông có thể tranh cử Tổng thống vào năm 2024. Dù bằng cách nào thì thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Bản đồ cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ
Xem thêm: Panama phát hành trái phiếu, mở ra hy vọng giữa cuộc khủng hoảng Covid-19
Từ quan điểm định hướng thị trường, viễn cảnh Quốc hội bị chia rẽ (hoặc ít có khả năng hơn, một viện hoàn toàn màu đỏ) là một rủi ro lớn. Nếu Quốc hội đơn đảng không thể thông qua các dự luật sâu rộng thì rủi ro có một Quốc hội chia rẽ sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn nữa. Triển vọng về một sự chậm trễ lớn hơn trong việc thông qua các dự luật sẽ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán và đẩy đồng đô la Mỹ, một tài sản trú ẩn an toàn, lên cao hơn.
TRÒ CHƠI LỚN: CẠNH TRANH MỸ-TRUNG TĂNG NHIỆT
Ngoài dự luật chi tiêu khổng lồ, chính quyền Biden cũng đang dành khoảng 250 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. Khoản chi tiêu này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đối trọng với tầm vóc ngày càng lớn trên toàn cầu của Trung Quốc về chính trị, kinh tế và tiến bộ công nghệ. Các vấn đề mấu chốt khác trong cuộc chơi này liên quan đến Đài Loan và thương mại.
Về phần thương mại, chính quyền Biden đang cân nhắc phản ứng của mình đối với việc Bắc Kinh không đáp ứng được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà họ đã phê chuẩn trong nhiệm kỳ của Trump. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, gã khổng lồ châu Á đã mua ít hơn gần 50% số lượng hàng hóa của Mỹ theo thỏa thuận. Biden bây giờ phải xác định đường lối hành động tốt nhất cho tình hình trong nước và quốc tế.
Nếu ông theo đuổi chính sách thuế quan, điều này có thể tiếp tục dẫn đến lạm phát và làm tổn hại đến triển vọng kinh tế quốc nội của Hoa Kỳ. Mặt khác, nếu ông không thúc ép Trung Quốc, ông có nguy cơ bị xem là mềm mỏng vào thời điểm Bắc Kinh đang đẩy mạnh trò chơi và triển khai ngoại giao “Chiến binh sói”. Sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể được minh họa rõ nhất với việc họ xâm phạm chủ quyền của Đài Loan và các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Ngay từ đầu năm mới, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Đài Bắc đã không giấu diếm việc ra hiệu cho đối phương rằng niềm tin của họ là bất di bất dịch. Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen đã cảnh báo về “chủ nghĩa phiêu lưu quân sự” của Trung Quốc, trong khi người đồng cấp ở đại lục Tập Cận Bình nói rằng việc thống nhất hoàn toàn “Tổ quốc” là mong muốn chung của nhân dân hai nước.
Với việc Mỹ đang hướng nhiều nỗ lực hơn vào việc kiềm chế Trung Quốc, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ động thái chính sách đối ngoại quan trọng nào của cả hai siêu cường. Mặc dù chiến tranh là rất khó xảy ra, các biện pháp trừng phạt kinh tế và các chính sách khác có thể sẽ khiến tâm lý thị trường có nhiều nguy cơ nghiêng về phía e ngại rủi ro.
Các căng thẳng trên chính trường quốc tế trong thời gian ngắn có thể đẩy đồng đô la Mỹ và đồng yên Nhật lên cao hơn với sụt giảm của cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu có tăng trưởng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Cụ thể, các công ty mong muốn được tiếp cận với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của gã khổng lồ châu Á có thể sẽ bị tổn thương. Xích mích giữa Bắc Kinh và Washington có thể khiến quốc gia châu Á củng cố vị thế của họ với tư cách là một cường quốc trong khu vực.
THỎA THUẬN HẠT NHÂN MỸ-IRAN
Sau khi rút lui khỏi Afghanistan, nhu cầu có một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Washington – đặc biệt là trong khu vực Trung Đông – đã được coi là yếu tố cần thiết để tăng cường tiếng tăm của Biden. Thất bại ở đây không chỉ cung cấp thêm đạn dược cho đảng Cộng Hòa trước cuộc bầu cử giữa kỳ mà còn làm tăng xác suất dẫn đến rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu bởi lý do chính trị.
Chúng ta đã thấy điều này lặp đi lặp lại trong suốt năm 2019 và đầu năm 2020. Và nhiều khả năng một sự gián đoạn như vậy sẽ xảy ra một lần nữa. Các vấn đề mấu chốt vẫn còn tồn tại, một trong số đó là yêu cầu của Tehran về một đảm bảo pháp lý rằng Washington sẽ tuân thủ thỏa thuận. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết những yêu cầu như vậy cho thấy Iran “không nghiêm túc” về các cuộc đàm phán hạt nhân.
Mặc dù lịch trình về thời điểm khôi phục hoặc giải thể các chương trình hạt nhân có thể không rõ ràng, điều gần như chắc chắn là chính quyền Biden cần có câu trả lời trước tháng 11. Trong khi chờ đợi, giá dầu thô sẽ tiếp tục theo dõi các yếu tố cơ bản trong bối cảnh COVID-19. Tuy nhiên, các vấn đề chính trị có thể sẽ gây ra một đợt biến động lớn đáng kể trong năm này.