Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda khẳng định thời gian gần đây giá trị đồng yen giảm “khá nhanh” so với đồng USD, đồng thời cảnh báo tác động tiêu cực của việc đồng yen mất giá đối với sự phục hồi kinh tế mong manh của nước này.

BoJ cảnh báo tác động tiêu cực của việc đồng yen mất giá
Thống đốc BoJ Kuroda đưa ra nhận định trên tại một phiên họp quốc hội, sau khi đồng yen rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua trong phiên giao dịch trước đó cùng ngày.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng coi việc đồng yen mất giá so với đồng USD là “tồi tệ” khi giá nguyên vật liệu tăng cao và thiếu tăng trưởng tiền lương ảnh hưởng đến nhu cầu.
Đồng yen yếu làm tăng chi phí của các công ty nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, gây áp lực đối với các hộ gia đình, song lại giúp các nhà xuất khẩu tăng lợi nhuận ở nước ngoài.
Thống đốc Kuroda khẳng định không thay đổi quan điểm của BoJ rằng việc đồng yen giảm giá là điều tích cực đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, việc đồng yen suy yếu từ mức 1 USD đổi được 115 yen xuống 1 USD đổi được gần 127 yen trong khoảng 1 tháng rưỡi là khá nhanh và sự sụt giảm như vậy có thể là “một điểm trừ” vì làm gia tăng sự không chắc chắn và khiến “các công ty gặp khó khăn trong việc phát triển các kế hoạch kinh doanh”.
Chuyên gia nhận định về vai trò của đồng NDT khi kinh tế Trung Quốc phát triển
Theo ông Jan Knoerich, giảng viên môn kinh tế Trung Quốc tại Đại học King’s College London (Anh), với tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc cùng những nỗ lực thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của chính phủ nước này, đồng NDT đang ngày càng có vai trò lớn trên thị trường quốc tế và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Lý do thứ nhất là Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới (về hàng hóa) và đồng NDT được quốc tế hóa nhiều hơn nhờ việc mở rộng các giao dịch thương mại bằng đồng NDT. Tuy nhiên, ông Knoerich lưu ý rằng vị thế của đồng NDT như một tài sản đầu tư toàn cầu hoặc tiền tệ dự trữ chưa thực sự nổi bật.
Một yếu tố khác góp phần vào sự phát triển của đồng NDT là việc Chính phủ Trung Quốc chủ động hỗ trợ tiến trình quốc tế hóa đồng NDT. Cụ thể là tăng cường phát hành trái phiếu bằng đồng NDT, thúc đẩy các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương khác và thành lập các trung tâm giao dịch đồng NDT tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới để tạo điều kiện cho việc thanh toán giao dịch thương mại xuyên biên giới bằng đồng NDT.
Chính phủ Trung Quốc cũng ra mắt Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc để tạo thuận lợi cho việc thanh toán quốc tế bằng đồng NDT, phát triển các chương trình kết nối cổ phiếu và trái phiếu, đưa đồng NDT vào Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với các biện pháp khác.
Chuyên gia Knoerich lưu ý, trung tâm tài chính London đóng một vai trò quan trọng khi trở thành trung tâm giao dịch NDT hàng đầu ở nước ngoài. Ông cho biết: “London và Vương quốc Anh đã đi đầu trong việc hỗ trợ phát triển các sáng kiến thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT”.
Trong tương lai, ông Knoerich dự báo, khi tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và thương mại của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, vị thế của đồng NDT cũng sẽ được nâng cao. Chính phủ Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc tế hóa đồng NDT, có thể với các sáng kiến mới như thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT kỹ thuật số ở nước ngoài.

Xem thêm: J&J, Abbott, AbbVie: 3 cổ phiếu Vua Cổ tức hàng đầu để mua cho dài hạn
Thượng Hải nỗ lực giải quyết việc tắc nghẽn kho vận do COVID-19
Thượng Hải đang nỗ lực để khắc phục những nút thắt trong kho vận (logistics) và giúp các nền tảng thương mại điện tử tăng cường năng lực sản xuất và vận chuyển giữa bối cảnh bùng phạt COVID-19.
Theo bà Liu Min Phó Giám đốc Ủy ban Thương mại Thành phố Thượng Hải, thành phố đang cố gắng để phục hồi năng lực vận tải. Đến nay, tổng cộng 42 kho hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh của các nền tảng thương mại điện tử ở Thượng Hải đã hoạt động trở lại, với hơn 18.000 tài xế giao khoảng 1,8 triệu đơn hàng mỗi ngày.
Ngoài ra, các siêu thị và cửa hàng phi trực tuyến của các hãng cung ứng lớn đang dần trở lại hoạt động kinh doanh.
Bà Liu cho biết thêm rằng một số siêu thị ở Thượng Hải đã tung ra nhiều gói cung cấp liên quan đến nhu yếu phẩm như gạo, mì, rau, trái cây và đồ vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phân phối. Những nhu yếu phẩm trên sẽ được chuyển đến cộng đồng địa phương thông qua các công ty hậu cần bên thứ ba sau khi người dân cho biết nhu cầu cho các cộng đồng lân cận hoặc đặt hàng trên ứng dụng của các siêu thị.
CPI tháng 3 của Pháp leo lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1985
Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (INSEE) công bố số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3/2022 đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1985.
Theo INSEE, CPI tháng 3/2022 tăng mạnh chủ yếu do giá các mặt hàng xăng dầu, điện, thực phẩm và dịch vụ tăng.
Giá các sản phẩm xăng dầu tại Pháp trong tháng 3/2022 đã tăng 43,5% so với tháng Hai, chủ yếu do giá dầu diesel, xăng và nhiên liệu lỏng tăng mạnh. Giá năng lượng nói chung trong tháng 3/2022 tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo của INSEE, CPI đối với nhóm các hộ gia đình thu nhập trung bình tại Pháp tăng 2,65% trong giai đoạn từ tháng 11/2021-3/2022./.
Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 để phục hồi chi tiêu cá nhân
Bắt đầu từ ngày 18/4, Hàn Quốc sẽ xóa bỏ tất cả các hạn chế về dịch bệnh, ngoại trừ quy định về đeo khẩu trang. Đây được coi là một bước quan trọng nhằm đưa “xứ kim chi” trở lại trạng thái bình thường, sau khi các hạn chế lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 3/2020.
Lệnh giới nghiêm đối với các nhà hàng, quán cà phê và các cơ sở kinh doanh nhỏ khác sẽ được dỡ bỏ, trong khi giới hạn về quy mô các cuộc tụ tập riêng tư cũng sẽ bị xóa bỏ.
Chính phủ Hàn Quốc hy vọng rằng việc dỡ bỏ các hạn chế kiểm dịch sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi chi tiêu cá nhân khi hoạt động của người dân sẽ dần trở lại mức trước đại dịch. Chính phủ cũng có kế hoạch cung cấp phiếu giảm giá để hỗ trợ giá vé của các trò chơi thể thao chuyên nghiệp và phí ăn ở trong những tháng tới, một cách thức nhằm giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Chi tiêu của người tiêu dùng giảm 5% vào năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhưng sau một năm sụt giảm, chi tiêu cá nhân đã được cải thiện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định kinh tế Hàn Quốc trong năm nay dự kiến tăng trưởng trong khoảng 2%, trong khi lạm phát có thể tăng lên gần 4%./.