Các tập đoàn công nghệ lớn vẫn là kênh đầu tư đáng giá cho dù họ có một số điểm đáng quan ngại về vấn đề chống độc quyền.
Bất chấp những rủi ro pháp lý, Alphabet vốn dĩ có sức sống tồn tại trong thời gian rất dài.

Xem thêm: J&J, Abbott, AbbVie: 3 cổ phiếu Vua Cổ tức hàng đầu để mua cho dài hạn
Các cổ phiếu big tech vẫn đang trở nên lớn hơn qua từng ngày. Sau hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới kỹ thuật số đang trở thành một phần quan trọng hơn bao giờ hết đối với cuộc sống thường nhật khi các doanh nghiệp càng lúc càng phụ thuộc vào công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn.
Nhưng đứng trước một số tập đoàn công nghệ có giá trị hơn cả nghìn tỷ USD, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của họ đối với nền kinh tế nói chung. Các nhà lập pháp và giới chức quản lý đang muốn đưa một số gã khổng lồ quyền lực này vào tầm ngắm, và Alphabet (GOOGL, -2,44%) (GOOG, -2,33%) chính là một trong số đó. Vậy, liệu cổ phiếu của họ có đáng mua vào lúc này hay không? Theo một số nhà phân tích, đáp án là “có”.
Câu chuyện rắc rối về pháp lý
Google – công ty con của Alphabet, đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh với các cơ quan quản lý trong những năm qua, đặc biệt là ở Liên minh Châu Âu. Google đã bị phạt số tiền tương đương 2,8 tỷ USD vào năm 2017 vì các hoạt động cạnh tranh không công bằng và phải chịu một án phạt khác lên đến 1,7 tỷ USD vào năm 2019. Ủy ban châu Âu cũng đang chờ xử phạt Google 5 tỷ USD với cáo buộc rằng Google tổ chức các hoạt động đi ngược lại với tinh thần cạnh tranh, cụ thể là thông qua hệ điều hành di động Android của hãng này.
Google cũng có rất nhiều rắc rối pháp lý ở Mỹ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, sau khi phối hợp với Tổng chưởng lý 36 bang, đã đệ đơn kiện chống độc quyền vào năm 2020 về các hoạt động kinh doanh quảng cáo tìm kiếm trên internet của Google. Công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho ngày ra tòa vào tháng 09/2023.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định điều gì sẽ xảy ra với Google sau tất cả các hoạt động chế tài này. Nhưng có một số người thuộc phe chống đối rất mong muốn đế chế internet của Alphabet bị tan rã cùng với một số gã khổng lồ công nghệ khác như Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta Platforms (FB, -2,24%). Nếu cổ phiếu này bị chia năm xẻ bảy thì lúc đó mọi thứ coi như sẽ chấm hết, đúng không?
Google: đã quá phổ biến
Các vấn đề pháp lý, nhất là những vụ kiện cáo làm tốn tiền phạt lên đến hàng tỷ USD, sẽ không phải là điều đáng hoan nghênh đối với các cổ đông của Alphabet. Nhưng vẫn có một số nhà phân tích tin rằng Alphabet có sức sống mạnh mẽ không giống như bất kỳ gã khổng lồ công nghệ nào khác. Thậm chí, lỡ như tập đoàn này bị chia tách thành các doanh nghiệp nhỏ hơn thì đó cũng có thể là một điều tốt cho các cổ đông dài hạn (nếu bạn sở hữu cổ phiếu Alphabet và có kế hoạch nắm giữ trong tương lai vô thời hạn). Ba lý do giải thích cho điều này được trình bày như sau.
Có một số mảng kinh doanh của Alphabet có thể tự đứng vững
Google Tìm kiếm và đế chế quảng cáo của trang này rõ ràng có thể hoạt động như một thực thể độc lập. Nhưng bản thân YouTube cũng sẽ thăng hoa nếu bị tách riêng. YouTube là ứng dụng phát video trực tuyến qua internet được xem nhiều nhất trên thế giới, đây là một trang mạng xã hội và có cung cấp dịch vụ đăng ký nghe nhạc và xem video. Thậm chí cả Google Cloud, đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây công cộng đứng thứ 3 sau Azure của Microsoft (MSFT, -2,71%) và AWS của Amazon (AMZN, -2,46%), cũng có khả năng tương tự. Google Cloud hiện vẫn đang hoạt động thua lỗ, nhưng đơn vị này lại đang phát triển nhanh (quý 4 năm 2021 tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020) và đang gặt hái được những tiến bộ ổn định về mặt lợi nhuận.
Google có thể tự tài trợ vốn cho rất nhiều dự án
Là một thực thể có độ gắn kết lớn, Alphabet đã sinh lợi cao trong nhiều năm qua. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này là 78,7 tỷ USD vào năm 2021, được giới phân tích đánh giá tốt với biên lợi nhuận hoạt động là 30,6%. Trong số đó đã bao gồm một số phân khúc kinh doanh không có lợi nhuận cao như Google Cloud và phân khúc Other Bets (các công ty mới thành lập như xe hơi tự lái Waymo). Riêng Google Services thậm chí còn có mức biên lợi nhuận cao hơn. Trong quý 4 năm 2021, Google Services có mức biên lợi nhuận hoạt động là 37,5% trong khi biên lợi nhuận hoạt động của toàn bộ các hoạt động kinh doanh là 29,1%. Google có thể sử dụng số tiền này để phát triển những dự án mới, chẳng hạn như dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, điện thoại thông minh và máy tính bảng Pixel cũng như các thiết bị gia đình thông minh khác.
Dồi dào tiền mặt
Giả sử Alphabet bị buộc chia tách thành các công ty nhỏ, khi đó có lẽ YouTube sẽ là tâm điểm đáng chú ý nhất so với những đơn vị còn lại của đế chế Google. Câu hỏi được đặt ra chủ yếu xoay quanh vấn đề hữu hạn tài nguyên. Liệu mỗi tổ chức độc lập đó có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn, nhân tài và sự chú ý cần thiết để phát triển riêng lẻ hay không? Đối với Alphabet, câu trả lời có lẽ là là có.
Mỗi phân khúc của Alphabet (Google, YouTube, Google Cloud và Other Bets) đều có quy mô rất lớn. Và Alphabet có một bảng cân đối kế toán khổng lồ với lượng tiền mặt ròng và đầu tư ngắn hạn (nợ ròng) nhiều hơn so với bất kỳ công ty đại chúng nào khác. Vào cuối năm 2021, lượng tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn của họ đạt 140 tỷ USD, bù lại với khoản nợ 14,8 tỷ USD. Lượng tiền mặt khổng lồ này sẽ giúp đảm bảo về mặt thanh khoản nếu các thực thể của họ bị tách ra,
Bên cạnh áp lực bán tháo gần đây trên thị trường đối với nhóm cổ phiếu công nghệ, Alphabet cũng bị ảnh hưởng bởi của các vụ kiện chống độc quyền còn dây dưa. Nhưng tập đoàn tìm kiếm khổng lồ này và tất cả các đơn vị phụ trợ của họ đang phát triển bùng nổ và mỗi mảng đều hưởng lợi từ các xu hướng tăng trưởng dài hạn. Cổ phiếu Alphabet chỉ có giá gấp 19 lần lợi nhuận dự tính trong một năm tới. Với chỉ số forward P/E đó, nhiều khả năng rủi ro pháp lý đã được hấp thụ vào giá. Bất chấp các nguy cơ pháp lý tiềm ẩn xuất phát từ các vấn đề chống độc quyền của Google, cỗ máy in tiền như Alphabet sẽ vẫn là một mã chứng khoán đáng mua ở thời điểm này.