
Xem thêm: Các nhà đầu tư có thể tận dụng sai lầm của Warren Buffett với mã cổ phiếu này?
Có phải bạn đang muốn tìm một kênh đầu tư sinh lợi nhuận đúng không? Nếu đúng thì hãy dõi theo bước chân của Warren Buffett – một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử.
AAPL & MA: Hai Mã Cổ Phiếu Chuẩn Buffett Nên Mua Và Giữ Mãi Mãi
Berkshire Hathaway (NYSE:BRK.A) (NYSE:BRK.B) đã phát triển thành công rực rỡ kể từ khi Warren Buffett đảm nhận vị trí CEO của tập đoàn này vào năm 1965. Khi đó, Berkshire chỉ có giá 19 USD/cổ phiếu. Ngày nay, một cổ phiếu loại A của họ được định giá khoảng 418.000 USD. Nói cách khác, nếu bạn đầu tư 1.000 USD vào tập đoàn này vào đầu nhiệm kỳ của Buffett thì bây giờ số tiền đó sẽ trị giá khoảng 22 triệu USD. Đây thực sự là một thành tích vô tiền khoáng hậu.
Những tháng ngày tăng trưởng bùng nổ nhất của Berkshire có lẽ đã là chuyện của quá khứ, nhưng họ đã để lại một trong những di sản đầu tư ấn tượng nhất trong lịch sử ngành tài chính, và có hai mã đầu tư chứng khoán đang nằm dưới quyền sở hữu của tập đoàn do tỷ phú Buffett hậu thuẫn, chúng sẽ sẵn sàng gặt hái thêm nhiều thắng lợi cho bạn trong thời gian tới. Vậy tại sao những cổ phiếu này sẽ có tiềm năng giúp bạn tăng trưởng tài sản vượt trội hơn so với thị trường chung? Phần phân tích dưới đây sẽ giải đáp cho bạn và kèm thêm nhiều chi tiết thú vị.

Apple – cổ phiếu được Warren Buffett yêu thích nhất mọi thời đại
Với vai trò dẫn đầu trong cuộc cách mạng điện toán di động, Apple (NASDAQ:AAPL) là một trong những tập đoàn có sức ảnh hưởng nhất trong nửa thế kỷ qua. Đây cũng là một trong những câu chuyện thành công nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán và họ đã tạo ra khối của cải kếch xù cho những nhà đầu tư nào mua vào đúng những thời điểm thích hợp và nắm giữ lâu dài.
Với thương hiệu nổi tiếng và chuyên môn thiết kế ưu việt, Apple đã có thể xây dựng được cơ sở khách hàng thuộc dạng trung thành nhất trên thế giới và tạo ra được lợi nhuận vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường điện toán di động. Tập đoàn này cũng đã tận dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực di động để xây dựng một hệ sinh thái phần mềm có khả năng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, dựa vào đó mà Táo khuyết đã tung ra hàng loạt dịch vụ đăng ký “cây nhà lá vườn” và độc quyền tính phí hoa hồng trên các sản phẩm ứng dụng được rao bán thông qua App Store.
Với thế mạnh tuyệt đối và vô cùng vững chắc, Apple đã trở thành cổ phiếu được Berkshire Hathaway của Warren Buffett nắm giữ với tỷ trọng phân bổ cao nhất, và Nhà Tiên tri xứ Omaha cũng đã không tiếc lời ca ngợi gã khổng lồ công nghệ này. Vào năm 2020, vị tỷ phú lão làng cho rằng Apple có lẽ là doanh nghiệp tốt nhất mà ông từng biết, và năm nay ông lại nức nở khen CEO Tim Cook là “một trong những nhà quản lý giỏi nhất trên thế giới.” Những lời khen ngợi đáng chú ý đó lại xuất phát từ một người đàn ông nổi tiếng với tài năng “thấu thị” trong việc xác định các doanh nghiệp chất lượng cao, có đủ những phẩm chất cần thiết để trở thành cổ phiếu chiến thắng lớn trong dài hạn.
Ngoài mảng kinh doanh phần mềm và di động cũng như thành công ban đầu trên thị trường thiết bị đeo, Apple dường như cũng sắp được hưởng lợi từ màn chuyển đổi mang tính cách mạng sang công nghệ thực tế tăng cường (augmented reality) và 5G. Rất có thể Apple sẽ tiếp tục dẫn đầu phong trào phát triển các loại công nghệ và dịch vụ mới, có khả năng tác động sâu rộng đến tất cả mọi người.
Hơn nữa, Apple cũng có trả cổ tức và các cổ đông của Táo khuyết cũng hoàn toàn có căn cứ vững chắc để tin rằng tập đoàn này sẽ tăng cao mức chi trả trong dài hạn. Apple đã nâng mức chi trả cổ tức đều đặn mỗi năm kể từ khi bắt đầu chia cổ tức vào năm 2012, và tỷ lệ chi trả của tập đoàn này vẫn ở mức tương đối thấp, tức là cơ hội tăng cổ tức trong tương lai sẽ còn kéo dài bền vững.
Đây rõ ràng là một trong những tập đoàn đầu ngành công nghệ, có khả năng sẽ trụ vững về lâu dài.
“Làm chủ” tương lai của ngành thanh toán điện tử với Mastercard
Fintech (công nghệ tài chính) là một lĩnh vực vô cùng nóng sốt đối với giới đầu tư, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp đang tìm cách vươn lên để phá vỡ “thế trận” hiện tại của ngành dịch vụ tài chính. Và thực tế là người tiêu dùng chưa bao giờ được tận hưởng các sản phẩm tài chính chất lượng cao cấp như lúc này. Nhưng dù nói vậy, nhà đầu tư không nên bỏ qua những doanh nghiệp ngoại hạng như Mastercard (NYSE:MA) khi muốn tìm lợi nhuận trên các dịch vụ chuyển tiền qua lại giữa người dùng.
Ban đầu, Mastercard là một doanh nghiệp tiên phong sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực này. Trong vài năm qua, họ đã đầu tư rất nhiều để phát triển công nghệ nhằm giúp người tiêu dùng và người bán hàng trên khắp thế giới có thể giao dịch với nhau dễ dàng hơn, trong đó phải kể đến cả những cơ hội lớn trong phân khúc thị trường thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Nói một cách đơn giản, Mastercard không đi theo hướng “phòng thủ” khi những doanh nghiệp mới nổi khác trên thế giới giành lấy thị phần từ họ. Ngược lại, gã khổng lồ này định hướng hẳn theo trường phái “tấn công”, tức là tích cực bổ sung thêm nhiều tính năng hữu ích và lấn sân vào các thị trường mới để thu hút nhiều người dùng hơn đến với nền tảng thanh toán của họ.

Cuối cùng, dựa trên hiệu ứng mạng lưới của Mastercard, vốn dĩ được củng cố bởi bộ ba nhân tố gồm người bán, người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ tài chính, tất cả các bên tham gia “cuộc chơi” này đều rất muốn tiếp cận với nhau. Mỗi nhân tố trong số đó càng phát triển thêm nhiều thành viên thuộc hệ sinh thái của Mastercard thì nhóm đó càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhóm nhân tố còn lại.
Theo dự báo, tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ có thêm khoảng 1 tỷ người trong thập kỷ tới và những bước tiến bộ về mặt công nghệ sẽ cho phép nhiều người hơn nữa có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ thanh toán điện tử, mà những dịch vụ này vốn đang ngày càng thịnh hành. Như vậy, Mastercard hoàn toàn có tiềm năng chiến thắng về lâu dài, và họ sẽ còn cơ hội phát triển xa hơn nữa trong nhiều năm tới.
Đăng Khoa-Theo fool